Vì sao tỷ phú Long bỏ nội thất, dồn vốn lớn cho điện máy Hòa Phát cạnh tranh với Daikin, Panasonic, Electrolux?

Doanh nghiệp - Doanh nhân
09:57 AM 26/09/2021

Quy mô thị trường ngành hàng gia dụng trong nước ước khoảng 12,5 – 13 tỷ USD, tăng trưởng hơn 10%/năm. Ngành hàng gia dụng còn nhiều tiềm năng phát triển, căn cứ vào điều kiện tự nhiên, xã hội của Việt Nam như dân số trẻ dẫn đến nhu cầu hàng gia dụng lớn.

Hội đồng quản trị (HĐQT) CTCP Tập đoàn Hòa Phát (Mã CK: HPG) vừa thông qua nghị quyết về việc góp vốn thành lập CTCP Điện máy gia dụng Hòa Phát để thực hiện quản lý các hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh các sản phẩm điện lạnh, điện gia dụng.

CTCP Điện máy gia dụng Hòa Phát dự kiến có vốn điều lệ 1.000 tỉ đồng. Trong đó, Hòa Phát góp 999 tỉ đồng, tương đương tỉ lệ sở hữu 99,9% vốn điều lệ. Công ty này đặt trụ sở tại số 39 Nguyễn Đình Chiểu, phường Lê Đại Hành, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội.

Trước đây Hòa Phát còn có một công ty con hoạt động trong lĩnh vực điện máy dân dụng là Công ty TNHH Điện lạnh Hòa Phát, được thành lập từ năm 2001. Tính đến tháng 7/2021, công ty này có vốn điều lệ 300 tỉ đồng, quy mô còn khá bé, chỉ tập trung sản xuất Tủ lạnh, Tủ đông, Tủ mát mang thương hiệu Hòa Phát và Funiki.

Vì sao tỷ phú Long bỏ nội thất, dồn vốn lớn  cho điện máy Hòa Phát cạnh tranh với Daikin, Panasonic, Electrolux? - Ảnh 1.

Mở rộng miếng bánh tăng trưởng

Trong mảng máy điều hoà nhiệt độ, thị phần của Funiki vẫn ở mức thấp, các thương hiệu điều hoà lớn trên thị trường đến từ các ông lớn như Daikin, LG, Panasonic, Toshiba, Sharp, hiện nay có một "nhân tố mới nổi" là Casper.

Số liệu của chúng tôi cho thấy, trong khi Hoà Phát duy trì doanh thu khoảng 1.000 tỷ/năm trong năm 2019 và 2020 thì doanh thu của Panasonic Việt Nam năm 2020 là 13.565 tỷ, của Daikin năm 2019 là 12.109 tỷ đồng, doanh số của Daikin tăng 4 năm liên tiếp và đã vượt 10.000 tỷ vào năm 2017.

Casper Việt Nam đang tăng trưởng rất nhanh trong 5 năm trở lại đây, giai đoạn 2016-2018 xuất phát điểm của Casper còn khá thấp so với điện lạnh Hoà Phát, tuy nhiên năm 2019 và 2020 công ty này bất ngờ bứt phá mạnh, doanh thu 2020 đạt 3.450 tỷ, gấp 3 lần Hoà Phát.

Mặc dù doanh thu khá thấp trong ngành, tuy nhiên điện lạnh Hoà Phát vẫn đạt 142 tỷ lợi nhuận sau thuế năm 2020 - tăng 34% so với năm trước. Trong khi đó, lợi nhuận của Panasonic lên nghìn cả nghìn tỷ còn Daikin cũng gần 500 tỷ đồng/năm.

Vì sao tỷ phú Long bỏ nội thất, dồn vốn lớn  cho điện máy Hòa Phát cạnh tranh với Daikin, Panasonic, Electrolux? - Ảnh 2.

Số liệu của Bộ Công Thương cho biết, hiện tiêu dùng vào hàng gia dụng chiếm 9% tổng gói tiêu dùng cá nhân, trong 11 nhóm ngành hàng chính thì nhóm ngành hàng gia dụng đứng thứ 4 quy mô về tiêu dùng. Quy mô thị trường ngành hàng gia dụng trong nước ước khoảng 12,5 – 13 tỷ USD, tăng trưởng hơn 10%/năm.

Theo báo cáo của Bộ Công Thương, ngành hàng gia dụng còn nhiều tiềm năng phát triển, căn cứ vào điều kiện tự nhiên, xã hội của Việt Nam như dân số trẻ dẫn đến nhu cầu hàng gia dụng lớn.

Cụ thể, tiêu dùng cho đồ gia dụng độ tuổi từ 18 – 45 chiếm 57 – 60% chi tiêu toàn thị trường. Đồng thời, thu nhập người dân hiện đang tăng lên (trên 2.000 USD/người/năm), dẫn đến thay đổi nhu cầu về chất lượng, mẫu mã nhiều hơn.

Báo cáo trên của Bộ Công Thương đưa ra trước thời điểm Covid xuất hiện. Sự xuất hiện của Covid đã khiến thế giới đảo lộn, thói quen sinh hoạt cũng hoàn toàn thay đổi. Các đợt giãn cách xã hội kéo dài trong nhiều tháng đã khiến người tiêu dùng chi mạnh tay hơn cho hàng gia dụng gia đình.

Trong khi đó, thu nhập từ nông thôn cũng tăng nhanh trong khi phân khúc giá trung bình ở hàng điện máy và gia dụng đang thuộc về các công ty có vốn nước ngoài. Điều này cho thấy miếng bánh mở rộng thị trường trong mảng điện máy và hàng gia dụng ở Việt Nam còn khá lớn.

Trả lời truyền thông, Chủ tịch Hoà Phát tỷ phú USD Trần Đình Long đã từng chia sẻ, định hướng của Hòa Phát là trở thành tập đoàn sản xuất công nghiệp với chất lượng dẫn đầu, trong đó thép là lĩnh vực cốt lõi. Năm 2021, với công suất thép thô đạt 8 triệu tấn, Hòa Phát đã nằm trong top 50 doanh nghiệp sản xuất thép lớn nhất thế giới.

"Thế giới thay đổi rất nhanh nên rất khó để hình dung đến tương lai 20-30 năm nữa. Hoà Phát sẽ đi theo con đường như các tập đoàn khác đã làm là đa dạng hóa ngành nghề. Trong đó, có nông nghiệp và bất động sản. Ngành này rất phù hợp với những nước công nghiệp hóa mới như Việt Nam khi nhu cầu xây dựng lớn, quá trình đô thị hóa đang diễn ra rất nhanh", tỷ phú Trần Đình Long trả lời Zing về định hướng sẽ đa dạng hoá ngành nghề.

5 năm trước khi Hoà Phát lấn sân nông nghiệp đặt ra rất nhiều sự nghi ngờ và lo ngại cho cổ đông và nhà đầu tư, tuy nhiên với tinh thần "làm gì là làm nhanh và quyết liệt", hiện mỗi năm nông nghiệp mang về cho Hoà Phát hơn 10.000 tỷ doanh thu và hơn 1.500 tỷ lợi nhuận.

Hoà Phát đã cắt mảng nội thất vào đầu năm 2021 với giá bán gần 900 tỷ đồng, việc tập trung phát triển điện máy là một hướng đi mới, để tao hệ sinh thái đi cùng với mảng bất động sản và cũng là một thị trường tỷ USD đầy tiềm năng có thể tạo ra doanh thu chục nghìn tỷ, khi thị trường nông thôn Việt Nam vẫn chưa có nhiều người khai phá.

Châu Cao
Ý kiến của bạn