Vị thế HTX trong nền kinh tế quốc dân: Nhận diện vai trò của HTX trong nền kinh tế (Bài 1)
Từ năm 2020, Tổng cục Thống kê (Bộ KH&ĐT) tổ chức biên soạn ấn phẩm “Sách trắng HTX Việt Nam”, trong đó nhận diện sự phát triển của HTX theo từng năm. Thế nhưng, theo phản ánh của Liên minh HTX Việt Nam, thực trạng nhiều năm qua Tổng cục Thống kê chưa tính đúng, chưa tính đủ đóng góp GDP của khu vực kinh tế tập thể, HTX. Hệ lụy làm giảm vị thế HTX, không được các cấp ngành quan tâm đúng mức, ảnh hưởng bất lợi đến quá trình tổ chức thực hiện Nghị quyết 20-NQ/TW ngày 16/6/2022 của BCH Trung ương Đảng khóa XIII về đổi mới phát triển kinh tế tập thể (Nghị quyết 20).
Mới đây, TS Lê Văn Nghị, Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam, đã ký văn bản số 48/LMHTXVN-UBKTT ngày 13/7/2022 gửi Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính về việc đề nghị tính đúng, tính đủ phần đóng góp của khu vực kinh tế tập thể, HTX trong nền kinh tế quốc dân.
HTX trong chủ trương lớn của Đảng
Ngày 16/6/2022, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Nghị quyết số 20-NQ/TW Hội nghị Trung ương lần thứ 5, khóa XIII về tiếp tục phát triển kinh tế tập thể, HTX trong giai đoạn mới.
Theo Nghị quyết 20 này, sau 20 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa IX về kinh tế tập thể, các HTX đã cơ bản hoàn thành việc chuyển đổi mô hình HTX kiểu mới theo quy định của pháp luật, từ đó góp phần xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an sinh xã hội, từng bước khẳng định vai trò, vị trí trong nền kinh tế quốc dân.
Tuy số lượng HTX tăng hàng năm nhưng số lượng thành viên bình quân trong HTX có xu hướng giảm. Hiệu quả hoạt động của HTX chưa cao, liên kết còn lỏng lẻo. Hoạt động liên kết giữa HTX với các tổ chức kinh tế khác chưa phổ biến. Nguyên nhân của tình trạng trên là do khung khổ pháp lý, trong đó có Luật HTX năm 2012 còn nhiều vướng mắc, chậm sửa đổi. Các chính sách hỗ trợ HTX nhiều nhưng dàn trải, chủ yếu là lồng ghép, thiếu tập trung, thiếu nguồn lực, chưa thống nhất hoặc không khả thi.
Đáng chú ý, Nghị quyết 20 cho rằng: Đánh giá về đóng góp của HTX cho nền kinh tế còn chưa đầy đủ dẫn đến hạ thấp vị trí, vai trò của khu vực kinh tế tập thể trong nền kinh tế quốc dân.
Nghị quyết 20 nêu rõ: Phát triển và nâng cao hiệu quả của kinh tế tập thể là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị. Cấp ủy, chính quyền các cấp trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo, coi đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên.
Thực chất, kinh tế tập thể, HTX là một thành phần kinh tế quan trọng nên cần phải được củng cố và phát triển cùng với kinh tế nhà nước trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân. Phát triển kinh tế tập thể là xu hướng tất yếu trong bối cảnh hội nhập và phù hợp với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Hệ lụy từ công tác thống kê
Theo TS Lê Văn Nghị, Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam, căn cứ Luật Thống kê năm 2015, Tổng cục Thống kê đã và đang dùng hệ thông chỉ tiêu thống kê quốc gia, trong đó, các chỉ tiêu thống kê thuộc lĩnh vực kinh tế tập thể, HTX không đúng, không đủ phần đóng góp vào GDP hàng năm trong nền kinh tế quốc dân.
Cụ thể như: Theo Luật HTX 2012, thành viên HTX bao gồm cá nhân và pháp nhân. Thế nhưng khi tính toán xây dựng hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia thì chỉ được tính toán phần đóng góp kinh tế của chung HTX trong GDP, còn hiệu quả kinh tế của HTX mang lại cho thành viên (cá nhân, hộ gia đình là thành viên HTX) bị tính vào khu vực kinh tế cá thể, cá lẻ.
Bên cạnh đó, do hiệu quả kinh tế của HTX mang lại cho doanh nghiệp là thành viên HTX chưa được tính vào cho khu vực kinh tế tập thể. Thế nên, mặc dù cả nước có tổng số 27.395 HTX, hơn 120.000 tổ hợp tác, 110 liên hiệp HTX với gần 10 triệu thành viên (tính đến 31/12/2021). Nhưng tỷ trọng đóng góp của khu vực kinh tế tập thể, HTX trong GDP đang ở mức rất thấp (năm 2021 chỉ đạt trên 3,62% GDP) và liên tục giảm trong khoảng 10 năm gần đây, nhiều địa phương khu vực kinh tế tập thể, HTX chỉ đóng trên dưới 1% GRDP…
Hệ lụy dẫn đến lãnh đạo cấp ủy, chính quyền của các địa phương rất coi nhẹ thành phần kinh tế quan trọng HTX. Bởi cho rằng không đáng để quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo. Thực trạng đó đã ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của các Tổ hợp tác, HTX, liên hiệp HTX và các cơ quan, cán bộ, công nhân viên của hệ thống Liên minh HTX Việt Nam.
Ngoài ra, kinh tế tập thể,HTX đã có tác động sâu sắc đến kinh tế thành viên thông qua tạo việc làm, giảm chi phí đầu vào, tăng giá bán, góp phần cải thiện thu nhập, xóa đói giảm nghèo, an sinh xã hội tại địa phương. Như vậy, việc đánh giá đóng góp của kinh tế tập thể qua các chỉ tiêu thống kê chỉ dựa vào đóng góp kinh tế chung của HTX là chưa đầy đủ và toàn diện, cần bổ sung thêm tiêu chí đóng góp về tác động xã hội trong việc xóa đói giảm nghèo, an sinh xã hội tại địa phương.
Cần tính toán đầy đủ đóng góp của khu vực kinh tế tập thể cho nền kinh tế
Trao đổi với PV Tạp chí Doanh nghiệp và Tiếp thị, TS Lưu Bình Nhưỡng, Đại biểu Quốc hội khóa XIV, Phó Trưởng Ban, Ban Dân nguyện Quốc hội, cho rằng: "Việc đánh giá về vị trí, vai trò, giá trị xã hội và giá trị kinh tế của HTX cũng như hoạt động của HTX trong tổng thể nền kinh tế, xã hội là phải đảm bảo đầy đủ, khách quan, toàn diện và có chiều sâu, không thể hời hợt và cảm tính. Đặc biệt, phải nhìn nhận khách quan vai trò và sự đóng góp của HTX trong thu hút những người dân ở tầng lớp khó khăn, thiếu thốn tư liệu sản xuất và nguồn lực tài chính, nhưng lại có công huân to lớn, trực tiếp xây dựng nông thôn mới, gìn giữ những giá trị nhân văn của xã hội, bảo đảm an sinh xã hội. Có những giá trị không thể lượng hóa. Nhưng về cơ bản phải được đánh giá đầy đủ."
Trong khi đó, theo Liên minh HTX Việt Nam, kinh nghiệm phát triển HTX quốc tế gần 200 năm qua đã chứng minh: Khu vực kinh tế tập thể, HTX đã hình thành, phát triển và ngày càng lớn mạnh trên tất cả các châu lục, không phân biệt chế độ chính trị, đảng phái, tôn giáo. Đây là đòi hỏi tất yếu khách quan của kinh tế thị trường, quy luật quy mô lớn trong kinh tế thị trường "Quy mô càng lớn, càng có quyền quyết định cung cầu, giá cả sản phẩm đó trên thị trường trở thành các tập đoàn kinh tế lớn cấp quốc gia, xuyên quốc gia, phát triển bền vững nhiều HTX hàng trăm năm nay, đóng góp của khu vực này trong GDP những năm qua rất cao, đạt từ 13% - 35%, ví như: Hà Lan 18%, Thái Lan 13%, Hoa Kỳ 25%, Đức 35%...
Như vậy, việc Tổng cục Thống kê hiện nay đang tính toán phần đóng góp của khu vực kinh tế tập thể, HTX trong GDP chưa đầy đủ như đã nêu ở trên là trái với tinh thần Nghị quyết số 20-NQ/TW, ngày 16/6/2022 của BCH Trung ương Đảng khóa XIII, không đúng với bản chất HTX trong Luật HTX 2012 và không phù hợp với kinh nghiệm của quốc tế 200 năm qua. Từ đó dẫn đến hạ thấp vị thế của khu vực kinh tế tập thể, HTX trong nền kinh tế quốc dân, làm giảm sút sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tạo điều kiện của cấp ủy, chính quyền các cấp đối với kinh tế tập thể, HTX vốn đã bị kéo dài nhiều năm qua.
Lưu ĐoànGiá xăng trong nước ngày mai (23/1) được dự báo quay đầu giảm sau khi đã có 3 lần tăng liên tiếp. Nếu không tác động đến Quỹ bình ổn, giá xăng có thể giảm khoảng 50-150 đồng/lít, trong khi giá dầu diesel có khả năng tiếp tục tăng.