Việc mở cửa đón sinh viên trở lại trường phải cân nhắc và thận trọng
Một số trường Đại học ở Hà Nội quyết định thời gian đón sinh viên quay trở lại trường sau thời gian nghỉ dịch COVID-19. Tuy nhiên, vấn đề băn khoăn nhất hiện nay là chưa có quy định các trường “thích ứng an toàn, linh hoạt” với COVID-19 như thế nào.
- Hành trình thành lập công ty gần 6 tỷ đô của bộ đôi sinh viên - giáo sư, mang “làn gió mới” cho hàng triệu lớp học trong đó có Việt Nam
- Học sinh TP.HCM sẽ trở lại trường trong tháng 12?
- Phó TT Vũ Đức Đam: Hà Nội cần mở dần trường học, không đợi tiêm hết vắc xin mới cho đi học
- Từ tháng 11, nhiều tỉnh thành lên kế hoạch cho học sinh quay trở lại trường học
Nhiều trường dự kiến “mở cửa” trong tháng 11/2021
Trao đổi với báo chí, TS Lê Trường Tùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường ĐH FPT cho biết sau khi tiêm vaccine mũi 2 cho sinh viên, trường dự kiến mở cửa cho sinh viên học trực tiếp từ giữa tháng 11.
Tuy nhiên, Bộ GD&ĐT, các địa phương mới ban hành tiêu chí mở cửa trường, chưa có quy định khi nào đóng cửa trường, ông Tùng nói. Các địa phương đang phòng chống dịch COVID-19 theo kiểu phát hiện học sinh mắc bệnh là lập tức đóng cửa trường. Với cách ứng phó với dịch như vậy, việc mở cửa lại trường ở Hà Nội, TPHCM là khó khả thi, ông nhận định.
Theo ông Tùng, Sở GD&ĐT Hà Nội ban hành 16 tiêu chí mở cửa trường là chưa đủ, vì thiếu 1 tiêu chí quan trọng nhất là không có học sinh nào là F0. Khi có F0, trường sẽ phải đóng cửa theo chỉ đạo của chính quyền, hoặc phụ huynh lo ngại không đồng ý cho con đến trường và khi đó, không cần tuân thủ các tiêu chí từ 1 đến 16 mà Sở GD&ĐT Hà Nội đã đưa ra.
“Tuân thủ 16 tiêu chí mà Sở GD&ĐT Hà Nội đưa ra chỉ có ý nghĩa khi nhà trường, phụ huynh, chính quyền và xã hội chấp nhận thầy trò “sống chung” với COVID, tức là giữ gìn, hạn chế lây lan để khi có F0 trong trường thì có thể cho nghỉ 1-2 lớp để theo dõi, chứ không phải đóng cửa cả trường”, ông nói.
Nằm ở huyên ngoại thành vùng 1, Trường ĐH Sư phạm Thể dục Thể thao dự kiến, ngày 15/11, sau khi rà soát tiêm vaccine đối với sinh viên năm nhất, trường sẽ cho 323 sinh viên năm nhất (K54) đến trường. Nếu dịch được kiểm soát tốt, sau tết, trường tiếp tục cho sinh viên năm cuối (K51) đến trường để đảm bảo chương trình học.
“Tuy nhiên, đây mới là kế hoạch dự kiến vì trường có điểm “vướng” bởi đang có khu cách ly tập trung hoạt động. Trường mới có văn bản kiến nghị, xin được bàn giao lại cơ sở vật chất trước 15/11 để tiến hành vệ sinh, khử khuẩn; đồng thời xin ý kiến chỉ đạo của cấp có thẩm quyền để xác định mức độ an toàn và cho phép mở cửa đón sinh viên trở lại học tập”, Hiệu trưởng nhà trường, TS. Nguyễn Duy Quyết cho biết.
Cũng nằm tại địa bàn huyện Chương Mỹ, Trường ĐH Lâm nghiệp đã lên phương án dự kiến cho sinh viên trở lại trường trong tháng 11/2021.
GS.TS Trần Văn Chứ - Hiệu trưởng nhà trường cho biết, nếu tình hình dịch bệnh được kiểm soát và TP cho phép, nhà trường dự kiến sẽ đón sinh viên năm cuối trở lại trường để hoàn thành các nhiệm vụ học tập trước ngày 20/11. Nhóm sinh viên này khi quay trở lại trường sẽ được bố trí ở tại khu Ký túc xá để đảm bảo các điều kiện an toàn. Tháng 12/2021, căn cứ tình hình dịch bệnh tại địa phương và TP, nếu ổn định trường sẽ tiếp tục cho các khóa còn lại đi học.
Theo GS.TS Trần Văn Chứ, việc quay trở lại trường sẽ rất cẩn trọng, sinh viên phải có giấy xác nhận đã được tiêm vaccine phòng Covid-19 tại các cơ sở y tế và trường có bộ phận chuyên môn thực hiện test nhanh; đồng thời yêu cầu sinh viên tuân thủ nghiêm túc các biện pháp phòng dịch theo hướng dẫn của ngành y tế.
Cần cân nhắc và thận trọng khi cho sinh viên trở lại trường
Theo Phó Hiệu trưởng Đại học Bách khoa Hà Nội, trong bối cảnh Hà Nội vẫn xuất hiện các ca nhiễm chưa rõ nguồn lây, tất cả các cơ sở giáo dục đều đang rất thận trọng vì đây là nơi tập trung đông người và rất khó để đảm bảo tuân thủ 5K. Trong khi đó, khảo sát của Đại học Bách khoa cho thấy mới chỉ có 1/3 số sinh viên của trường được tiêm vaccine phòng dịch COVID-19.
“Chính Hà Nội còn chưa dám mở cửa trường cho học sinh của địa phương mình trong khi các trường đại học tính chất phức tạp hơn rất nhiều vì sinh viên quy tụ từ nhiều tỉnh thành. Vì thế, không chỉ riêng Bách khoa, các trường đều phải rất thận trọng,” ông Điền cho hay.
Chưa có kế hoạch cho việc mở cửa giảng đường trở lại cũng là chia sẻ của Phó Giáo sư Nguyễn Thanh Chương, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giao thông Vận tải. “Chúng tôi đang tổ chức đối thoại với sinh viên và khi nào đi học trở lại cũng là câu hỏi của rất nhiều em gửi đến lãnh đạo nhà trường, nhưng thực sự là rất khó trả lời. Trường luôn sẵn sàng để có thể đón sinh viên nhưng còn phụ thuộc diễn biến của dịch bệnh. Với tình hình hiện nay, có thể các em phải học trực tuyến ít nhất đến hết học kỳ I,” Phó Giáo sư Nguyễn Thanh Chương chia sẻ.
Trường ĐH Kinh tế Quốc dân cũng là cơ sở đào tạo đầu tiên ở Hà Nội có động thái sẵn sàng đón sinh viên trở lại học tập trung. PGS.TS Phạm Hồng Chương, Hiệu trưởng nhà trường, dẫn đầu tổ kiểm tra cơ sở vật chất của trường để chuẩn bị cho việc này.
Tuy nhiên, dù chuẩn bị kỹ lưỡng cho việc mở cửa trường trở lại, nhưng khi bắt tay triển khai thì gặp khó khăn do chưa thể đăng ký tiêm vaccine cho sinh viên ngoại tỉnh như mong muốn ban đầu. Hiện tại các trường vẫn theo sát tình hình và tới đây sẽ tiếp tục có văn bản về triển khai các biện pháp phòng dịch phù hợp với các diễn biến mới của dịch bệnh.
Huyền My (T/h)Giá xăng trong nước ngày mai (23/1) được dự báo quay đầu giảm sau khi đã có 3 lần tăng liên tiếp. Nếu không tác động đến Quỹ bình ổn, giá xăng có thể giảm khoảng 50-150 đồng/lít, trong khi giá dầu diesel có khả năng tiếp tục tăng.