Viện Kiểm sát đề nghị 2 án tử hình đối với các bị cáo vụ Đồng Tâm
Viện Kiểm sát Nhân dân TP Hà Nội đề nghị mức án Tử hình về tội Giết người đối với 2 bị cáo Lê Đình Công và Lê Đình Chức. Có 19 bị cáo được đại diện VKS đề nghị chuyển tội danh.
Sáng 9/9, phiên tòa xét xử sơ thẩm 29 bị cáo trong vụ án đặc biệt nghiêm trọng xảy ra tại xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội kết thúc phần thẩm vấn chuyển sang phần tranh tụng. Đại diện Viện kiểm sát giữ quyền công tố tại tòa phát biểu quan điểm luận tội và đề nghị mức án với các bị cáo.
Theo Viện kiểm sát nhận định đây là vụ án hình sự đặc biệt nghiêm trọng, các bị cáo có hành vi coi thường pháp luật, thực hiện hành vi phạm tội gây hoang mang trong quần chúng nhân dân. Khi lực lượng công an thực thi nhiệm vụ các bị cáo đã cùng nhau hô hào kích động, tấn công, đổ xăng đốt khiến ba cán bộ công an hi sinh khi làm nhiệm vụ vào sáng 9/1.
"Hành vi của các bị cáo có tổ chức, có sự phân công vai trò của từng người, thể hiện tính côn đồ hung hãn, coi thường, bất chấp pháp luật. Giết nhiều người cách rất dã man, hành vi của các bị cáo còn làm ảnh hưởng hoạt động đúng đắn của cơ quan nhà nước, gây mất trật tự an ninh trong TP Hà Nội, gây hoang mang lo lắng cho người dân"- đại diện VKSND TP Hà Nội nhấn mạnh.
Đại diện VKSND TP Hà Nội nhận định, các đối tượng biết rõ đất cánh đồng Sênh (xã Đồng Tâm) là đất quốc phòng đã được Thanh tra TP Hà Nội và Thanh tra Chính phủ kết luận. Sau đó, các cơ quan chức năng TP Hà Nội và trung ương đã tổ chức đối thoại với nhân dân xã Đồng Tâm để người dân hiểu và yêu cầu thực hiện đúng quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, từ năm 2013, ông Lê Đình Kình (SN 1936, trú tại thôn Hoành, xã Đồng Tâm) đã cùng Lê Đình Công, Bùi Viết Hiểu, Nguyễn Văn Tuyển và một số đối tượng tại xã Đồng Tâm thành lập "Tổ đồng thuận" với mục đích chiếm lại đất đồng Sênh chia nhau.
Các đối tượng này thường xuyên lôi kéo, kích động quần chúng nhân dân khiếu kiện phức tạp về việc quản lý, sử dụng đất của chính quyền xã Đồng Tâm; sử dụng mạng xã hội tuyên truyền đất đồng Sênh là của xã Đồng Tâm; đồng thời kêu gọi người dân xã Đồng Tâm "đấu tranh để giữ đất". Từ năm 2017 đến đầu năm 2020, ông Kình đã chỉ đạo "Tổ đồng thuận" và nhiều đối tượng khác gây ra nhiều sự việc nghiêm trọng trái với pháp luật.
Bản luận tội của VKS cho thấy, VKS đã điều chỉnh tội danh của nhiều bị cáo trong nhóm bị cáo bị truy tố về tội giết người, cụ thể là từ tội danh giết người sang tội danh chống người thi hành công vụ đối với 19 bị cáo: Nguyễn Văn Quân (SN 1980), Lê Đình Uy (SN 1993), Lê Đình Quang (SN 1984), Bùi Thị Nối (SN 1958), Bùi Thị Đục (SN 1957), Nguyễn Thị Bét (SN 1961), Nguyễn Thị Lụa (SN 1956), Trần Thị La (SN 1978), Bùi Văn Tiến (SN 1979), Nguyễn Văn Duệ (SN 1962), Lê Đình Quân (SN 1976), Bùi Văn Niên (SN 1980), Bùi Văn Tuấn (SN 1991), Trịnh Văn Hải (SN 1988), Nguyễn Xuân Điều (SN 1952), Mai Thị Phần (SN 1963), Đào Thị Kim (SN 1983), Lê Thị Loan (SN 1966) và Nguyễn Văn Trung (SN 1988).
Lý do về việc VKS đề nghị thay đổi tội danh từ giết người sang tội chống người thi hành công vụ là do 19 bị cáo này cơ bản đã nhận thức được sai phạm, do nhận thức còn kém nên đã phạm tội. Các bị cáo về cơ bản phạm tội với lỗi cố ý gián tiếp, không trực tiếp thực hiện hành vi giết chết 3 cán bộ Công an nên đề nghị áp dụng hình phạt dưới mức thấp nhất với một số bị cáo. VKS tin rằng, sự hy sinh của 3 chiến sĩ đã làm thức tỉnh lương tâm của các bị cáo. Tại phiên tòa, VKS cũng chia sẻ sự mất mát đối với 3 gia đình các chiến sĩ đã hy sinh.
Bản luận tội giữ nguyên tội danh giết người đối với 6 bị cáo gồm Lê Đình Công, Bùi Viết Hiểu, Nguyễn Văn Tuyển, Lê Đình Chức, Lê Đình Doanh, Nguyễn Quốc Tiến. 4 bị cáo bị truy tố về tội chống người thi hành công vụ ban đầu vẫn giữ nguyên tội danh.
Kết luận, Viện kiểm sát đề nghị HĐXX tuyên bị cáo Lê Đình Công, Lê Đình Chức mức án cao nhất là tử hình.
Trong nhóm tội Giết người: bị cáo Bùi Viết Hiểu bị đề nghị 16-18 năm tù; Nguyễn Văn Tuyển bị đề nghị 14-16 năm tù; Lê Đình Doanh bị đề nghị mức án chung thân; Nguyễn Quốc Tiến từ 16-18 năm tù.
Nhóm 19 bị cáo được đề nghị đổi tội danh Giết người thành Chống người thi hành công vụ bị đề nghị mức án thấp nhất từ 18-26 tháng tù cho hưởng án treo, mức cao nhất 6-7 năm tù.
Nhóm bị cáo chống người thi hành công vụ gồm 4 người: Lê Đình Hiển, Bùi Viết Tiến, Nguyễn Thị Dung, Trần Thị Phượng cùng bị đến nghị mức 15-18 tháng tù cho hưởng án treo.
Về dân sự, Viện kiểm sát đề nghị buộc các bị cáo liên đới bồi thường cho gia đình ba cán bộ công an theo đúng quy định pháp luật.
Không khí Tết len lỏi khắp mọi nẻo đường lên “nóc nhà Đông Dương”, Fansipan (Sa Pa) khoác lên tấm áo xuân rực rỡ sẵn sàng chào đón du khách trong kỳ nghỉ lễ sắp tới.