Việt Nam cần có đột phá hơn trong đầu tư vào R&D
Việt Nam cần tạo ra những cú hích lớn hơn trong việc đầu tư mạnh mẽ vào nghiên cứu và phát triển (R&D) cũng như phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao một cách dài hạn cho việc này.
Theo Báo cáo Hệ sinh thái Đổi mới sáng tạo mở Việt Nam 2023 được công bố vào trung tuần tháng 1/2024, mức đầu tư vào R&D so với GDP của Hệ sinh thái Việt Nam chỉ đạt 0,4%, thấp hơn mức trung bình của khu vực Đông Nam Á.
Đặc biệt, chi phí R&D được xem như một trong những thước đo quan trọng để đánh giá khả năng tăng năng suất bằng việc đổi mới công nghệ thì điều đáng lo ngại là chi phí cho R&D ở Việt Nam khá thấp, chỉ bằng 1/3 so với Trung Quốc và bằng một nửa Thái Lan, Malaysia.
Điều này sẽ càng tạo thêm bất lợi cho các doanh nghiệp (DN) của Việt Nam trong việc cạnh tranh ngay trên “sân nhà” và trên thị trường xuất khẩu.
Theo nhiều chuyên gia, R&D là động lực để đổi mới công nghệ, phát triển kinh tế, giảm phụ thuộc vào FDI và tăng ưu thế cạnh tranh… Đầu tư cho R&D dự kiến sẽ đóng góp tới 15% tổng GDP dự báo vào năm 2045.
Do đó, Việt Nam cần thực sự tạo ra những cú hích lớn hơn trong việc đầu tư mạnh mẽ vào R&D cũng như phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao một cách dài hạn cho việc này. Cú hích này đòi hỏi các DN nhỏ và vừa, những tập đoàn lớn trong nước và các DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cần có chuyển biến tích cực hơn trong việc đầu tư vào R&D.
Trao đổi với báo chí, chuyên gia kinh tế Nguyễn Hoàng Dũng cho rằng điều kỳ vọng cho năm 2024 là Việt Nam cần có sự đột phá hơn trong việc đầu tư vào R&D, nhất là bản thân các DN nội địa nên thay đổi tư duy và nhận thức về tầm quan trọng của việc đầu tư này.
Bởi lẽ, theo ông Dũng, nếu DN Việt muốn có thay đổi mang tính đột phá thì điều mà họ cần làm là đầu tư vào R&D nhằm triển khai các giải pháp kỹ thuật mới, ứng dụng công nghệ mới, để cho ra các sản phẩm có tính cạnh tranh, thích ứng với xu hướng tiêu dùng mới.
Bên cạnh đó, tập trung vào các công nghệ mới nổi cũng sẽ thúc đẩy các DN Việt đầu tư R&D một cách khả quan hơn. Chính sách của Nhà nước nên sát hơn trong việc đưa R&D vào hoạt động của các DN nội địa. Nhất là làm sao giúp cho họ có sự thay đổi về mặt nhận thức và trích ra quỹ để đầu tư R&D thì sẽ có sự thay đổi đột phá.
Không chỉ vậy, Việt Nam cần có thêm nhiều nhân lực chất lượng cao cung ứng cho các trung tâm R&D nhằm góp phần thúc đẩy phát triển khoa học - công nghệ và nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Điều này đòi hỏi cần đổi mới về đào tạo và xây dựng mối quan hệ hợp tác giữa giới học thuật, các trường đại học, ngành công nghệ.
Minh An (t/h)Dự kiến từ đầu năm 2025, ngành thuế sẽ nâng cấp ứng dụng hỗ trợ cá nhân kê khai thuế điện tử, tự động hỗ trợ toàn bộ việc quyết toán thuế, hoàn thuế thu nhập cá nhân cho người nộp thuế.