Việt Nam cần làm gì để đón cuộc 'săn' kỳ lân của giới tài phiệt Đông Nam Á
Bloomberg đưa tin, những tỷ phú tại Đông Nam đang rót tiền đầu tư vào những startup công nghệ trước ảnh hưởng của dịch Covid-19 đối với các ngành kinh doanh từ bán lẻ, khách sạn đến sản xuất.
Cuộc đi săn kỳ lân của giới tài phiệt
Với nguồn đầu tư khổng lồ, các đế chế kinh doanh truyền thống đang dịch chuyển sang lĩnh vực thương mại điện tử và kinh tế số. Điều này đã mở ra những dòng doanh thu mới sau nhiều tháng đóng cửa và hạn chế du lịch.
Đông Nam Á chính là nơi được chọn là điểm “đi săn” mới của giới nhà giàu để tìm kiếm những cơ hội kinh doanh. Theo nghiên cứu của Cento Ventures, trong nửa đầu năm 2021, những nhà đầu tư mạo hiểm đã rót 4,4 triệu USD vào 393 thương vụ đầu tư cho các startup tại các nước Đông Nam Á.
Trả lời với Bloomberg, ông Vishal Harnal, giám đốc quỹ đầu tư 500 Startups Southeast Asia, nhà đầu tư vào Grab và Carousell cho biết. “Dòng tiền đầu tư của các công ty gia đình tại Đông Nam Á đang trở nên rất sôi động, nhất là với công nghệ bởi những thành công nổi bật gần đây”.
Danh sách các khoản đầu tư của giới tài phiệt Đông Nam Á. Nguồn: Bloomberg.
“Sẽ còn nhiều những gia đình tài phiệt tham gia vào cuộc đi săn này, Covid-19 chỉ đang thúc đẩy quá trình này diễn ra nhanh hơn”, ông Vishal Harnal nhận định.
Một trong số những “thợ săn” dẫn đầu trong cuộc đua này là tập đoàn Charoen Pokphand Group (CP Group), chuyên về mảng nông sản, bán lẻ và viễn thông. CP Group đã dẫn đầu trong vòng đầu tư series C của startup Ascend Money vào hồi tháng 9, tạo ra kỳ lân đầu tiên của Thái Lan với định giá 1,5 tỷ USD. Ngoài ra, CP Group cũng hợp tác với Ngân hàng thương mại Siam để mở quỹ đầu tư mạo hiểm vào lĩnh vực công nghệ trị giá 800 triệu USD.
Tại Indonesia hồi tháng 9, Intudo Ventures đã tăng thêm 115 triệu USD vào quỹ đầu tư thứ 3 để tập trung vào nền kinh tế số lớn nhất trong khu vực này. Quỹ đầu tư này gồm hơn 30 gia đình giàu có tại Indonesia và các tập đoàn của họ.
Plug and Play Tech Center, có trụ sở tại Sunnyvale (California), là nhà đầu tư giai đoạn đầu tiên của hơn 20 kỳ lân bao gồm cả PayPal. Nhà đầu tư này mới đâu đã ký thỏa thuận hợp tác với nhiều giới tài phiệt tại Đông Nam Á. Trong đó có bao gồm Aboitiz Power (Philippine), CP Group (Thái Lan), và Astra International (Indonesia).
Chia sẻ với Bloomberg, Yue Jun Jiang, Giám đốc công nghệ của CP Group cho biết “Đông Nam Á đang tiến vào "kỷ nguyên vàng" của sự chuyển đổi, nơi các tập đoàn đang vươn mình với các công nghệ kỹ thuật tiên tiến và mô hình kinh doanh mới, cùng lúc đó đại dịch đã thúc đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số”.
Chuyển đổi số - mắt xích quan trọng của kinh tế Việt Nam
Đáng chú ý, trong danh sách các kỳ lân của Đông Nam Á thì Việt Nam có 2 kỳ lân là VNG và VNPay. Theo báo cáo của Alpha Beta, từ nay cho đến 2030, chuyển đổi số có thể đem lại 74 tỷ USD giá trị kinh tế hàng năm. Điều này cho thấy chuyển đổi số có thể là mắt xích quan trọng trong cuộc đua tạo ra nhiều kỳ lân hơn nữa cho Việt Nam .
Danh sách các kỳ lân tại Đông Nam Á tính tới thời điểm hiện tại.
Nhận định về tầm quan trọng của chuyển đổi số tại Việt Nam, nhà sáng lập kiêm giám đốc điều hành AlphaBeta Singapore, ông Fraser Thompson cho biết, Việt Nam là quốc gia có lợi thế trong khai thác những lợi ích to lớn mà chuyển đổi số có thể mang đến.
Cụ thể, Việt Nam có dân số trẻ, được đào tạo và có hiểu biết về công nghệ; trong đó 70% công dân dưới 35 tuổi. Nền kinh tế Internet ở Việt Nam phát triển nhanh thứ 2 ở Đông Nam Á, với tổng giá trị hàng hóa (GMV) được dự báo sẽ tăng ở mức 29% hàng năm cho đến năm 2025.
Trong buổi hội thảo "Tiềm năng kinh tế số Việt Nam" vào 18/10, Chủ tịch FPT Telecom, ông Hoàng Nam Tiến chia sẻ: "Cho đến hôm nay, chưa một công ty nào chuyển đổi số mà chết cả. 5 năm nữa, doanh nghiệp mà chưa chuyển đổi số mà còn tồn tại hay không thì là câu hỏi lớn".
Ba trụ cột giúp Việt Nam nắm bắt tối đa cơ hội
Đến nay, Việt Nam trong mắt nhiều nhà đầu tư được coi là một điểm đến thân thiện. Tiến sỹ Oliver Massmann từ công ty luật Duane Morris - một trong 100 công ty luật lớn nhất thế giới khẳng định: "Việt Nam là điểm đến đầu tư thân thiện nhất tại châu Á, bởi những yếu tố như các hiệp định thương mại tự do song phương, và đa phương mà Việt Nam tham gia, cộng với việc Chính phủ Việt Nam đã ban hành những chính sách kịp thời, để khôi phục nền kinh tế".
Theo báo cáo công bố tại buổi hội thảo "Tiềm năng kinh tế số Việt Nam" vào 18/10, Google đã chỉ ra ba trụ cột quan trọng giúp Việt Nam nắm bắt được các cơ hội đầu tư trong tương lai.
Đầu tiên, Việt Nam cần tiếp tục phát triển hệ sinh thái công nghệ trong nước. Các quy định chuyển giao công nghệ quốc tế và cải tiến cơ sở hạ tầng số đã và đang góp phần thúc đẩy phát triển cơ sở hạ tầng số trong nước.
Việt Nam có thể tiến xa hơn trong việc giải quyết những khoảng trống về phạm vi bao phủ của cơ sở hạ tầng số, cũng như rào cản pháp lý mà các nhà lập trình trong nước đang phải đối mặt, giúp việc kinh doanh dễ dàng hơn.
Thứ hai, Việt Nam có thể tiếp tục nâng cao kỹ năng số cho người lao động và sinh viên. Chính phủ tập trung mạnh mẽ vào việc trang bị cho nhân lực hiện tại và lực lượng lao động tương lai các kỹ năng số cần thiết để tiếp cận các cơ hội kỹ thuật số.
Thứ ba, Việt Nam cần phát triển một môi trường thuận lợi cho thương mại số. Điều này đòi hỏi thúc đẩy dòng dữ liệu xuyên biên giới mở, nới lỏng chính sách hạn chế về dữ liệu, khuyến khích khả năng tương tác của các khuôn khổ kỹ thuật số và giảm thiểu xung đột biên giới.
Đặng SơnBộ Giao thông vận tải ban hành Thông tư số 33/2024/TT-BGTVT quy định về quản lý giá dịch vụ sử dụng phà được đầu tư từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước, do trung ương quản lý.