Việt Nam cần "vắc-xin" riêng cho nền kinh tế

Đầu tư và Tiếp thị
10:12 AM 22/08/2020

Ngày 21/8/2020, tại Hà Nội, gần 200 lãnh đạo doanh nghiệp tư nhân hàng đầu của Việt Nam tham dự Diễn đàn "Từ sống sót đến thịnh vượng" với chủ đề "Vững vàng vượt khủng hoảng" do FPT tổ chức nhằm bàn cách cùng nhau nỗ lực phục hồi kinh tế đất nước, đảm bảo chuỗi cung toàn cầu giai đoạn khủng hoảng do Covid-19.

Diễn đàn được tổ chức tại hai đầu cầu Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và trên hệ thống hội nghị trực tuyến. Ảnh: FPT

Diễn đàn được tổ chức tại hai đầu cầu Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và trên hệ thống hội nghị trực tuyến. Ảnh: FPT

Theo GS.TS Nguyễn Đức Khương, Phó Giám đốc phụ trách nghiên cứu, Trưởng khoa Tài chính, Học viện Hành chính và Quản trị kinh doanh (IPAG Business School - Pháp) - là người Việt đầu tiên lọt vào top 10 chuyên gia kinh tế trẻ hàng đầu của thế giới do dự án RePEc bầu chọn nhấn mạnh rằng, ngoài vaccine Covid-19, Việt Nam cần có "vắc-xin riêng" cho nền kinh tế của mình.

Trong khi đó, Ngân hàng Thế giới World Bank (WB) đánh giá Việt Nam nỗ lực trở thành con rồng đang trỗi dậy mạnh mẽ ở khu vực châu Á trên tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội và giáo dục.

Vững vàng vượt qua khủng hoảng Covid-19

Gần 200 doanh nghiệp tư nhân hàng đầu Việt Nam đã tham dự, chia sẻ và thảo luận nhiều vấn đề quan trọng đối với nền kinh tế Việt Nam trong giai đoạn phòng chống và phục hồi hậu Covid-19 tại diễn đàn "Từ sống sót đến thịnh vượng" với chủ đề "Vững vàng vượt qua khủng hoảng".

Phát biểu tại diễn đàn, Chủ tịch FPT, Trương Gia Bình cho rằng, đối với các doanh nghiệp Việt Nam, nhất là các đại diện của kinh tế tư nhân trong nước thì công ty chính là máu thịt. Trước cuộc khủng hoảng "thiên niên kỷ mới có một lần" theo lời ông Bình thì doanh nghiệp cần quyết chiến và trở nên mạnh mẽ hơn nữa.

Theo đại diện các doanh nghiệp tham dự diễn đàn, đại dịch Covid-19 đang ảnh hưởng sâu rộng đến mọi mặt hoạt động của đời sống kinh tế, sự tồn vong của doanh nghiệp.

Tuy nhiên, cũng như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc từng phát biểu, nhiều lãnh đạo doanh nghiệp tin rằng "trong nguy vẫn có cơ". Theo đó, các doanh nghiệp cần đối mặt khó khăn, chuẩn bị sẵn sàng để nắm bắt cơ hội. Trong đó, chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ là "một con đường không thể khác".

Bên cạnh đó, đối với nền kinh tế Việt Nam, lãnh đạo các doanh nghiệp cũng chỉ ra rằng, tại thời điểm này, 5 vấn đề trọng yếu nhất chính là đổi mới sáng tạo chuyển đổi tổ chức, tăng trưởng doanh thu, bảo vệ người lao động, duy trì nguồn vốn lưu động và giảm gián đoạn chuỗi cung ứng.

Tại diễn đàn, các doanh nghiệp cũng thống nhất đưa ra loạt giải pháp cấp bách, ưu tiên, đối với chính phủ, nền kinh tế Việt Nam và người dân, để đưa đất nước vượt qua khủng hoảng.

Theo đó, thứ nhất là phát huy vai trò và tinh thần của người lãnh đạo – phải là người truyền cảm hứng và kiên tâm, để dù tình huống nào cũng đưa cơ sở kinh doanh "sống sót" và hướng đến thịnh vượng. Thứ hai là sáng tạo, đổi mới bằng ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ. Đại diện 200 doanh nghiệp đánh giá, đây là thời điểm phải đẩy mạnh sáng tạo, đổi mới lên tột bậc.

Thứ ba là tâp trung phát triển nguồn nhân lực. Lãnh đạo 200 doanh nghiệp nhất trí, con người là tài sản giá trị nhất đối với một doanh nghiệp. Trong bối cảnh diễn biến phức tạp và khó lường của dịch Covid-19, doanh nghiệp cần phải bảo toàn nguồn nhân lực, quan tâm và nuôi dưỡng đội ngũ nhân tài, đồng thời, triển khai các giải pháp giúp tăng năng suất lao động.

"Tăng năng suất sẽ giúp tối đa hóa hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp, giảm được giá thành sản phẩm đáp ứng được xu hướng thắt chặt chi tiêu của người tiêu dùng hiện nay. Đồng thời, muốn tăng năng suất lao động thì phải tăng thu nhập để kích thích tinh thần cán bộ nhân viên. Cùng với việc tăng năng suất lao động là phải triển khai các chương trình đào tạo nội bộ để tạo ra những đội ngũ nhân viên không ngừng học hỏi, sẵn sàng có những sáng kiến sáng tạo để tìm ra cơ hội giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn", diễn đàn thống nhất.

Về bài toán chuỗi cung ứng, việc ứng dụng nền tảng Hội chợ trực tuyến sẽ giúp kết nối các doanh nghiệp trong và ngoài nước dễ dàng. Tại diễn đàn cũng khẳng định, cùng với sự hưởng ứng của lãnh đạo các doanh nghiệp tham dự sự kiện, vượt khủng hoảng sẽ không còn là bài toán khó khăn khi cộng đồng doanh nghiệp liên kết, đồng lòng và phát triển cùng nhau.

Mỗi doanh nghiệp sống sót, mỗi doanh nghiệp thịnh vượng sẽ tạo động lực to lớn cho nền kinh tế quốc gia phục hồi và phát triển bứt phá trong tương lai.

Vì sao Việt Nam cần "vắc-xin" riêng cho nền kinh tế thời Covid-19?

GS.TS Nguyễn Đức Khương. Ảnh: ST

GS.TS Nguyễn Đức Khương. Ảnh: ST

GS.TS Nguyễn Đức Khương nêu quan điểm, cho đến thời điểm này Việt Nam vẫn duy trì được một môi trường vĩ mô ổn định, tăng trưởng dương và xuất siêu trong tình trạng kinh tế toàn cầu suy thoái, thương mại quốc tế giảm kỷ lục.

Nhìn từ bên ngoài, quốc tế đánh giá Việt Nam là một trong những điểm đến đầu tư hấp dẫn. Doanh nghiệp, người lao động và người dân của Việt Nam nhạy bén, thích nghi tốt với sự thay đổi nhanh của công nghệ. Đặc biệt, Việt Nam còn không gian chính sách cho những gói hỗ trợ bổ sung nếu bệnh dịch kéo dài. Tỷ lệ tiết kiệm trên GDP ở mức cao (khoảng 25,4% cuối năm 2019) và nguồn lực này có thể được huy động cho đầu tư, tiêu dùng sắp tới.

"Và quan trọng nhất là nỗ lực không ngừng nghỉ của Chính phủ, người dân và doanh nghiệp Việt Nam. Trước mỗi khó khăn trong hàng nghìn năm lịch sử qua thì sự kiên cường và khả năng chống chịu của người Việt Nam chúng ta lại tăng thêm gấp bội. Đây là đòn bẩy quan trọng mà Chính phủ và toàn xã hội có thể thúc đẩy trong phục hồi kinh tế", GS.TS Nguyễn Đức Khương khẳng định.

Tuy nhiên, vị chuyên gia cũng nêu thực tế, ở thời điểm hiện tại, trong khi nền kinh tế Việt Nam và môi trường toàn cầu phụ thuộc lẫn nhau, bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch bệnh, việc đưa ra dự báo về tăng trưởng kinh tế là rất khó. Hơn nữa ưu tiên số một của Chính phủ vẫn là chặn đứng bệnh dịch và bảo vệ sức khoẻ người dân.

Chuyên gia Nguyễn Đức Khương cho rằng, nếu đặt nền kinh tế Việt Nam vào một kịch bản xấu nhất, tức là tăng trưởng âm, thì sẽ buộc phải có tinh thần đủ mạnh để chủ động tìm ra tất cả giải pháp có thể khơi dậy lại động lực tăng trưởng. Với nỗ lực cao độ thì sẽ hoàn toàn có thể đánh bật được những dự báo xu thế tiêu cực.

GS.TS Nguyễn Đức Khương đánh giá, một trong những bài học lớn nhất của Covid-19 là sức khoẻ, hạnh phúc của con người và tôn trọng hệ sinh thái thiên nhiên.

"Việt Nam nên hướng đến duy trì sự ổn định vĩ mô, cải cách mạnh mẽ nền kinh tế, và kiến tạo nền tảng cho phát triển bền vững trong dài hạn, thay vì tập trung vào con số tăng trưởng", ông Khương nhấn mạnh.

Đại dịch do coronavirus là cú hích để thực hiện những cải cách mà trước đây đã nghĩ đến và bây giờ trở nên cấp thiết.

"Chúng ta cần đầu tư vào công nghệ, số hoá, phát triển con người, kết nối nguồn lực, đồng thời cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và pháp lý. Đầu tư mạnh cho giáo dục - đào tạo nguồn nhân lực, giúp doanh nghiệp phát triển năng lực cạnh tranh để tận dụng cơ hội thị trường từ các hiệp định thương mại tự do là con đường đi đến tăng trưởng cao trong dài hạn", GS. TS Khương bình luận.

Thủy Phạm
Ý kiến của bạn
Internet Day 2024: Bứt phá với DC, Cloud, 5G & AI Internet Day 2024: Bứt phá với DC, Cloud, 5G & AI

Ngày 27/11, tại Hà Nội, sự kiện thường niên Internet Day 2024 sẽ diễn ra với chủ đề "Bước tiến mới cho Internet Việt Nam (Bứt phá với DC, Cloud, 5G & AI)". Đây là cơ hội để ngành công nghệ thông tin (CNTT) Việt Nam nhìn lại những thành tựu và đặt nền móng cho những bước phát triển đột phá trong thời đại công nghệ kết nối hiện đại.