Việt Nam chi 2,03 tỷ USD nhập khẩu ngô các loại trong 9 tháng
Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, nhập khẩu ngô các loại trong 9 tháng năm 2023 đạt trên 6,51 triệu tấn, trị giá trên 2.03 tỷ USD, giá trung bình 312 USD/tấn, giảm 2,3% về lượng, giảm 14,3% kim ngạch và giảm 12,3% về giá so với 9 tháng năm 2022.
Trong đó, riêng tháng 9/2023 đạt 1,16 triệu tấn, tương đương 318,12 triệu USD, giá trung bình 274 USD/tấn, tăng 8% về lượng và tăng 2,5% kim ngạch so với tháng 8/2023, nhưng giá giảm 5,1%; so với tháng 9/2022 thì tăng mạnh 45,2% về lượng, tăng 15% về kim ngạch nhưng giảm 20,7% về giá.
Hiện, Việt Nam phụ thuộc đến gần 70% nguồn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi như ngô, đậu tương… từ các nguồn nhập khẩu. Trong đó, ngô là một trong những nguyên liệu được Việt Nam tăng cường nhập khẩu. Các thị trường cung cấp chính cho nước ta gồm Brazil, Ấn Độ, Argentina, Mỹ, Thái Lan…
Argentina là thị trường lớn nhất cung cấp ngô cho Việt Nam trong 9 tháng năm 2023, chiếm trên 37,4% trong tổng lượng và chiếm 36,9% trong tổng kim ngạch nhập khẩu ngô của cả nước, đạt 2,43 triệu tấn, tương đương trên 748,91 triệu USD, giá 307,6 USD/tấn, giảm mạnh 43,4% về lượng, giảm 51,4% kim ngạch và giảm 14,2% về giá so với 9 tháng năm 2022.
Trong số các thị trường cung cấp ngô cho Việt Nam, Brazil là thị trường đang ghi nhận sản lượng và kim ngạch tăng vọt trong 2 tháng gần đây sau khi tạm dừng vào tháng 6 và tháng 7. Cụ thể, trong tháng 9, nhập khẩu ngô từ Brazil đạt 575.884 tấn với trị giá hơn 161 triệu USD, tăng mạnh 69,3% về lượng và tăng 61,6% về trị giá so với tháng 8/2023. Tính đến hết quý 3, nhập khẩu ngô từ thị trường này đạt hơn 2,29 triệu tấn với trị giá hơn 720 triệu USD, tăng mạnh 385% về lượng và tăng 355% về trị giá so với cùng kỳ năm trước.
Giá nhập khẩu bình quân trong 3 quý đạt 313 USD/tấn, ghi nhận giảm 6% so với cùng kỳ năm 2022. Tỷ trọng của Brazil đạt 35,2% về lượng và 35,4% về trị giá.
Tiếp đến thị trường Ấn Độ 9 tháng năm 2023 đạt 1,18 triệu tấn, tương đương 365,87 triệu USD, giá 309,8 USD/tấn, chiếm trên 18% trong tổng lượng và tổng kim ngạch nhập khẩu ngô của cả nước, tăng 74% về lượng, tăng 63,5% về kim ngạch, nhưng giá giảm 6,1% so với cùng kỳ năm trước.
Sản lượng và diện tích trồng ngô của Việt Nam có xu hướng sụt giảm sâu kể từ năm 2015 đến nay khiến nguồn cung ngô nội địa chỉ có thể đạt tối đa 4,5 - 5 triệu tấn ngô hạt. Nguyên nhân chủ yếu do năng suất của các giống ngô lai truyền thống đã tới hạn và suy giảm chất lượng, trong khi đó, các giống ngô biến đổi gien vốn cho năng suất cao chưa được phổ biến rộng rãi khiến hiệu quả kinh tế từ việc trồng ngô thấp so với một số giống cây trồng khác.
Huyền My (t/h)Trong báo cáo cập nhật kinh tế mới nhất về Việt Nam, Standard Chartered dự báo kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng ở mức vừa phải, lãi suất được duy trì ở mức thấp. GDP của Việt Nam được kỳ vọng sẽ tăng trưởng ở mức 6,8% năm 2024, nhờ xuất khẩu và công nghiệp giữ đà tích cực.