Việt Nam chuyển nhượng cho WB 10,3 triệu tấn CO2
Cục Lâm nghiệp cho biết, đến nay Việt Nam chuyển nhượng cho Ngân hàng Thế giới 10,3 triệu tấn CO2, với tổng giá trị 51,5 triệu USD.
Mới đây, Cục Lâm nghiệp (Bộ NN-PTNT) cho biết, Việt Nam đang triển khai duy nhất một Chương trình chuyển nhượng tín chỉ carbon rừng, đó là Thoả thuận chi trả giảm phát thải vùng Bắc Trung Bộ (ERPA) được ký ngày 22/10/2020 giữa Bộ NN-PTNT và Ngân hàng tái thiết và phát triển quốc tế thuộc nhóm Ngân hàng Thế giới (World Bank - WB).
Theo ERPA, Việt Nam chuyển nhượng cho Ngân hàng Thế giới 10,3 triệu tấn CO2 với đơn giá 5 USD/tấn CO2. Tổng giá trị chi trả là 51,5 triệu USD, trong đó 95% lượng chuyển nhượng sẽ được tính vào Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) của Việt Nam.
Ngoài ra, Bộ NN-PTNT và Tổ chức Tăng cường tài chính lâm nghiệp (Emergent), cơ quan hành chính của Liên minh giảm phát thải thông qua tăng cường tài chính lâm nghiệp (LEAF) đang chuẩn bị đàm phán, ký kết và triển khai Thỏa thuận mua bán giảm phát thải vùng Tây Nguyên và Nam Trung Bộ theo Ý định thư (LoI) đã ký ngày 31/10/2021.
Dự kiến, nước ta sẽ chuyển nhượng cho LEAF/Emergent 5,15 triệu tấn CO2 của vùng Tây Nguyên và Nam Trung Bộ giai đoạn 2021-2025. Toàn bộ lượng tín chỉ chuyển nhượng này sẽ được tính vào cam kết NDC của Việt Nam.
Theo Cục Lâm nghiệp (Bộ NN-PTNT), thời gian qua, một số địa phương đã nhận được đề nghị của các tổ chức, cá nhân trong nước và quốc tế đến tìm hiểu và đề xuất triển khai dịch vụ hấp thụ và lưu giữ cacbon rừng (dịch vụ carbon rừng), bao gồm việc đo đạc, báo cáo, thẩm định, phát hành và thương mại tín chỉ cacbon rừng.
Tuy nhiên, đây là một lĩnh vực mới, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật còn chưa đầy đủ, chi tiết và cần tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện trong thời gian tới.
Nhằm thực hiện NDC đồng thời hoàn thiện thể chế, chính sách để triển khai dịch vụ carbon rừng, trong thời gian tới, Bộ NN-PTNT sẽ triển khai một số nhiệm vụ như: Đánh giá tiềm năng giảm phát thải và hấp thụ carbon từ rừng cấp quốc gia, vùng, địa phương đến năm 2030 và có tính đến năm 2050. Phân bổ hạn ngạch giảm phát thải từ rừng cho các vùng sinh thái, các địa phương hằng năm giai đoạn 2021 đến năm 2030 để thực hiện mục tiêu NDC.
Xây dựng tiêu chuẩn quốc gia về tín chỉ carbon rừng và quy định chi tiết về hệ thống đo đạc, báo cáo, thẩm định lượng giảm phát thải/tăng hấp thụ carbon rừng; xây dựng cơ sở dữ liệu, hệ thống đăng ký, quản lý tín chỉ carbon rừng.
Tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn, tăng cường năng lực cho các bên liên quan về phương thức tạo và trao đổi, thương mại tín chỉ carbon rừng. Tham mưu tổ chức đàm phán, ký kết, triển khai Thỏa thuận mua bán giảm phát thải vùng Tây nguyên và Nam Trung bộ với Tổ chức Tăng cường tài chính trong lâm nghiệp (Emergent) và các đối tác khác.
Đồng thời tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện chính sách, quy định pháp luật để triển khai, thực hiện dịch vụ carbon rừng.
Để chuẩn bị và sẵn sàng triển khai dịch vụ carbon rừng, Cục Lâm nghiệp (Bộ NN-PTNT) cho biết: Hiện Bộ NN-PTNT đang phối hợp với các bộ, ngành xây dựng, hoàn thiện cơ sở pháp lý và các điều kiện thể chế, kỹ thuật và năng lực để triển khai thị trường carbon trong nước và tham gia thị trường carbon thế giới như xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 06/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô-zôn, xây dựng đề án phát triển thị trường carbon trong nước…
An Mai (t/h)Theo Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu cà phê tính đến ngày 15/12 đã đạt 5,2 tỷ USD. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử ngành cà phê Việt Nam có kim ngạch xuất khẩu cà phê vượt mốc 5 tỷ USD.