Việt Nam có 21 tiêu chuẩn về mô tô, xe máy điện
Những tiêu chuẩn về mô tô, xe máy điện không chỉ là khuôn khổ kỹ thuật mà còn mang lại nhiều tác động tích cực đến kinh tế - xã hội.
Theo Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia - Bộ Khoa học và Công nghệ, Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ phổ cập xe máy điện nhanh nhất Đông Nam Á, đã và đang chứng kiến sự bùng nổ của phương tiện giao thông xanh này. Tuy nhiên, sự phát triển nhanh chóng cũng đặt ra những thách thức về chất lượng và an toàn.

Ảnh minh họa
Do đó, Việt Nam đã ban hành 21 tiêu chuẩn và 12 quy chuẩn áp dụng cho mô tô, xe máy điện. Ngoài ra, còn có 12 tiêu chuẩn về trạm, trụ sạc và thiết bị liên quan, trong khi 20 tiêu chuẩn khác đang được xây dựng, dự kiến ban hành trong năm 2025.
Quy chuẩn và tiêu chuẩn là những quy định về chất lượng, kỹ thuật. Tiêu chuẩn là những khuyến nghị tự nguyện áp dụng, trong khi quy chuẩn bắt buộc phải áp dụng theo quy định pháp luật.
Các tiêu chuẩn đối với mô tô, xe máy điện được chia thành ba nhóm: tiêu chuẩn an toàn, tiêu chuẩn thử nghiệm pin, ắc quy và tiêu chuẩn về thiết bị điện trên xe.
Nhóm an toàn gồm 9 tiêu chuẩn như an toàn khi đâm xe vào cột, các đặc tính kỹ thuật an toàn về vận hành xe, điện, hệ thống tích điện nạp lại được, yêu cầu về đầu nối, bộ nối dẫn điện với nguồn cung cấp bên ngoài, mức tiêu hao năng lượng và đặc tính khi xe chạy trên đường.
Đối với pin, ắc quy, việc thử nghiệm phải đáp ứng tiêu chuẩn khác nhau cho hệ thống có công suất lớn (xe hybrid và xe điện nhiên liệu), thiết bị năng lượng cao (xe điện và xe hybrid cắm phích), cùng yêu cầu kỹ thuật về đặc tính an toàn. Các hệ thống ắc quy phải đạt yêu cầu thử nghiệm riêng. Ngoài ra còn có tiêu chuẩn về đặc tính và yêu cầu an toàn của hệ thống pin.
Thiết bị điện trên xe phải đáp ứng tiêu chuẩn về chuyển mạch điện/điện tử (gồm rơle, đèn chớp, thiết bị điện tử), tiêu chuẩn về hệ thống dẫn động điện, hiệu suất năng lượng của hệ thống phanh, hiệu suất năng lượng khi sử dụng băng thử kiểu động cơ.
Trong khi đó, các quy chuẩn hiện hành chủ yếu liên quan đến an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường cho xe điện cùng các linh kiện như đèn chiếu sáng, gương chiếu hậu, khung xe, vành xe, lốp hơi, động cơ, ắc quy.
Đối với trạm sạc, Việt Nam hiện có các tiêu chuẩn về cáp sạc, thiết bị điều khiển và bảo vệ cáp đầu vào dùng cho xe điện, cụm đóng cắt và điều khiển hạ áp, hệ thống lắp đặt điện hạ áp và hệ thống trạm sạc có dây. Trong năm 2025 sẽ có thêm các tiêu chuẩn mới liên quan đến phích cắm, ổ cắm, đầu nối và ổ nối vào xe điện, hệ thống truyền năng lượng không dây, cùng một số tiêu chuẩn mới cho hệ thống sạc điện có dây.
Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia - Bộ Khoa học và Công nghệ cho rằng, việc áp dụng 21 tiêu chuẩn mới này mang lại nhiều tác động tích cực đến kinh tế - xã hội. Theo đó, thị trường xe điện phát triển lành mạnh hơn, có chiều sâu về công nghệ: Các tiêu chuẩn mới sẽ thúc đẩy đổi mới công nghệ và nâng cao chất lượng sản phẩm.
Các tiêu chuẩn mới yêu cầu các hãng xe nước ngoài phải hoàn thiện công nghệ khi phân phối vào Việt Nam, điều này tạo ra một môi trường cạnh tranh lành mạnh, có lợi cho người tiêu dùng. Hơn nữa, người dùng sẽ yên tâm hơn về độ an toàn khi sạc và vận hành xe, giảm nguy cơ sự cố/cháy nổ.
Bên cạnh đó, xuất khẩu sản phẩm, linh kiện ra quốc tế thuận lợi hơn khi đáp ứng các chuẩn khắt khe, mở ra cơ hội lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam vươn ra thị trường toàn cầu.
Việc ban hành và thực thi 21 tiêu chuẩn về mô tô, xe máy điện tại Việt Nam là nỗ lực của quốc gia trong việc xây dựng một thị trường xe điện an toàn, bền vững và hội nhập quốc tế.
An Mai (t/h)
Hoàn lưu sau bão số 3 cộng với nước từ thượng nguồn đổ về đã và đang để lại hậu quả tàn phá hết sức nặng nề, vô cùng đau xót đối với nhân dân các xã miền núi phía Tây tỉnh Nghệ An.