Việt Nam có 3 cảng biển lọt TOP 50 cảng container có sản lượng lớn nhất thế giới

Kinh doanh
02:49 PM 26/03/2024

Việt Nam hiện có 3 cảng biển nằm trong danh sách 50 cảng container có sản lượng thông qua lớn nhất thế giới (TP.HCM, Hải Phòng và Cái Mép - Thị Vải).

Vừa qua, tại Hội nghị đối thoại doanh nghiệp hàng hải và đường thủy nội địa, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Xuân Sang đã thông báo thông tin trên.

Việt Nam có 3 cảng biển lọt TOP 50 cảng container có sản lượng lớn nhất thế giới- Ảnh 1.

Ảnh minh họa. Nguồn: Hanoimoi

Theo đó, 3 cảng biển Việt Nam nằm trong nhóm 50 cảng biển có sản lượng container thông qua lớn nhất trên thế giới, đó là Cảng TP.HCM đứng thứ 22, Cảng Hải Phòng đứng thứ 28, cảng Cái Mép Thị Vải đứng thứ 32.

Thứ trưởng cho biết, trong nhiều năm trở lại đây, lĩnh vực hàng hải và đường thuỷ nội địa luôn có tốc độ tăng trưởng hàng hoá cao, ổn định, kể cả trong thời gian dịch bệnh Covid-19, chúng ta vẫn giữ được tốc độ tăng trưởng dương.

Vận tải hàng hóa năm 2023 đạt 2.344 triệu tấn, tăng 15,4% còn luân chuyển hàng hóa đạt 490 tỷ tấn tăng 10,8% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, vận chuyển hàng hóa đường thủy 476 triệu tấn (tăng 18,7%) và đường biển 116 triệu tấn (tăng 7,8%).

Lũy kế 2 tháng đầu năm 2024 ước đạt 416 triệu tấn tăng 13,9%; luân chuyển hàng hóa ước đạt 88 tỷ tấn tăng 14% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, vận chuyển hàng hóa đường thủy, đường biển tăng trưởng ấn tượng nhất với tỷ lệ lần lượt là 21%, 18,1% so với cùng kỳ.

Để đạt được những thành quả trên là nỗ lực không ngừng nghỉ của các đơn vị đã xây dựng cảng biển, hệ thống đường thủy đa dạng.

“Đây là phương thức vận tải có chi phí thấp, có khả năng chuyên chở hàng hoá với khối lượng lớn, siêu trường, siêu trọng, đi các tuyến đường xa. Thực tế cho thấy, phần lớn hàng hoá xuất nhập khẩu của Việt Nam được vận tải bằng đường biển. Hệ thống cảng biển Việt Nam đã tiếp nhận được tàu có trọng tải lớn nhất thế giới, thu hút được 40 hãng tàu lớn trên thế giới vào hoạt động”, ông cho biết.

Theo báo cáo của Bộ GTVT, đội tàu Việt Nam phát triển nhanh trong những năm gần đây, đang đảm nhận 100% sản lượng nội địa và từ 6 - 8% thị phần hàng hóa xuất nhập khẩu. 

Tuy nhiên, xu thế phát triển ngành hàng hải và đường thủy nội địa hiện nay là công nghệ số, cảng xanh, chuyển đối năng lượng, giảm khí thải và sử dụng tàu trọng tải lớn.

Đây là những thách thức lớn đối với các chủ tàu, chủ cảng. Doanh nghiệp cần phải có kế hoạch phát triển để thích ứng kịp thời, nếu không sẽ bị tụt hậu so với thế giới…

Ngành hàng hải cần tập trung vào nhiều nhiệm vụ như: rà soát, đề xuất sửa đổi Luật Hàng hải năm 2015; đẩy nhanh tiến độ trình cấp có thẩm quyền phê duyệt các quy hoạch nhóm, quy hoạch cảng cạn và triển khai thực hiện quy hoạch hiệu quả; triển khai đề án phát triển đội tàu biển; đảm bảo tiến độ các dự án nạo vét, duy tu tuyến luồng.

Đối với đường thủy nội địa, cần hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, đổi mới cơ chế chính sách, đẩy mạnh cải cách hành chính; tham mưu đề xuất xây dựng cơ chế chính sách hỗ trợ ưu đãi cho lĩnh vực đường thủy nội địa;

Nghiên cứu triển khai xã hội hóa, kêu gọi nguồn vốn ODA để đầu tư vào các công trình, dự án; nâng cấp chất lượng hiệu quả công tác quy hoạch đã được Thủ tướng phê duyệt; tập trung xử lý các điểm nghẽn trên tuyến luồng nội địa; đôn đốc các địa phương triển khai hiệu quả công tác quản lý Nhà nước…

An Mai (t/h)
Ý kiến của bạn
Thực thi ESG là nhiệm vụ cấp bách của ngành ngân hàng Thực thi ESG là nhiệm vụ cấp bách của ngành ngân hàng

Ngành ngân hàng Việt Nam là lĩnh vực có vai trò huyết mạch của nền kinh tế, do vậy việc tiên phong trong thực thi ESG sẽ tạo ra sự thúc đẩy lớn đối với các doanh nghiệp là khách hàng của ngân hàng trong việc thiết lập những chuẩn mực mới về phát triển bền vững.