Việt Nam có 5 nhà khoa học vào top 10.000 nhà khoa học hàng đầu thế giới
Tạp chí PLoS Biology (Hoa Kỳ) vừa công bố kết quả xếp hạng 100.000 nhà khoa học có ảnh hưởng nhất thế giới năm 2021. Theo bảng xếp hạng này, Việt Nam có 5 nhà khoa học thuộc top 10.000 nhà khoa học hàng đầu thế giới, trong đó có ba nhà khoa học liên tiếp lọt danh sách này trong ba năm qua.
Theo bảng xếp hạng vừa được công bố trên tạp chí PLoS Biology của Hoa Kỳ, các nhà khoa học được phân chia vào 22 lĩnh vực khoa học và 176 lĩnh vực phụ (ngành/chuyên ngành).
Trong đó, Việt Nam có 5 nhà khoa học lọt vào nhóm 10.000 nhà khoa học hàng đầu thế giới và 28 nhà khoa học khác được xếp trong nhóm 100.000 nhà khoa học có ảnh hưởng nhất thế giới.
Cụ thể, 5 nhà khoa học Việt Nam vào nhóm 10.000 nhà khoa học hàng đầu thế giới gồm: Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Nguyễn Đình Đức (Đại học Quốc gia Hà Nội) tiếp tục đứng đầu trong các nhà khoa học Việt Nam xếp hạng 5.949 thế giới (đứng thứ 96 thế giới trong lĩnh vực engineering). Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Hoàng Sơn (Đại học Quốc gia Hà Nội) xếp hạng 6.766.
Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Hùng (Trường Đại học Công nghệ TP.HCM) xếp hạng 6.818. Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Tiến Diệu (Trường Đại học Duy Tân) xếp hạng 9.488. Giáo sư, Tiến sĩ Võ Xuân Vinh (Trường Đại học Kinh tế TP.HCM) xếp thứ 9.528.
Trong 5 nhà khoa học trên, ba người lọt vào top 10.000 nhà khoa học xuất sắc nhất của thế giới trong 3 năm liên tiếp (2019, 2020, 2021) là: Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đình Đức; Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Hùng và Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Hoàng Sơn.
Đặc biệt, năm nay có thêm nhiều nhà khoa học Việt Nam ở trong và ngoài nước lọt vào bảng xếp hạng danh giá nhất - 100.000 nhà khoa học được xếp hạng ảnh hưởng thế giới theo thành tựu trọn đời, 5 nhà khoa học Việt Nam đứng đầu trong danh sách là GS. Nguyễn Minh Thọ (ĐH Tôn Đức Thắng), GS. Trần Hiền Trinh (Oxford University), GS. Nguyễn Xuân Hùng (ĐH Công nghệ TPHCM), GS. Nguyễn Đình Đức (ĐHQGHN) và cố GS. Hoàng Tụy (Viện Toán học).
Được biết, tác giả của công bố này vẫn là nhóm Metrics của các GS Jeroen Baas, Kevin Boyack và John P.A. Ioannidis của Đại học Stanford của Hoa Kỳ nghiên cứu và công bố trên tạp chí PLoS Biology của Hoa Kỳ. Theo đó, nhóm tác giả đã dùng cơ sở dữ liệu của Scopus từ 1960 đến tháng 8.2021 trong hơn 7 triệu nhà khoa học và lọc ra top 100.000 người có ảnh hưởng nhất.
Tiếp theo những năm trước, nghiên cứu không có sự thay đổi trong công cụ đo lường và đánh giá khi nhóm nghiên cứu cập nhật cơ sở dữ liệu của hơn 100.000 nhà khoa học được trích dẫn nhiều nhất (từ nguồn dữ liệu của Scopus) và xếp hạng của họ dựa vào các tiêu chí quan trọng như: Chỉ số ảnh hưởng trong giới khoa học (composite score); tổng số trích dẫn (không bao gồm các tự trích dẫn); chỉ số Hirsch h-index; chỉ số Schreiber hm-index; số trích dẫn cho các bài báo được đăng với tư cách là tác giả duy nhất (single author); số trích dẫn cho các bài báo là tác giả chính (tên đầu tiên - first author và tác giả liên hệ - corresponding author), và tác giả cuối cùng - last author.
HM (T/h)Công ty CP Vận tải đường sắt cho biết tổ chức chạy tăng cường thêm nhiều chuyến tàu tuyến Bắc - Nam phục vụ người dân về quê, đón tết Nguyên đán 2025.