Việt Nam có chi phí thấp nhất để xây dựng trung tâm dữ liệu
Báo cáo chi phí xây dựng trung tâm dữ liệu năm 2025 do Cushman & Wakefield thực hiện cho biết, Việt Nam có chi phí xây dựng trong nhóm thấp nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương, chỉ đứng sau Đài Loan.
Báo cáo chi phí xây dựng trung tâm dữ liệu năm 2025 do Cushman & Wakefield thực hiện trên 90 cụm phát triển trung tâm dữ liệu của 26 thành phố.
Theo đó, Việt Nam tiếp tục được ghi nhận là địa điểm hấp dẫn đối với các nhà đầu tư trung tâm dữ liệu. Cụ thể, chi phí xây trung tâm dữ liệu tại Việt Nam tính trên megawat thấp nhất là 5,4 triệu USD, cao nhất là 8,4 triệu USD và theo tiêu chuẩn trung bình là hơn 6,9 triệu USD (tương đương hơn 176 tỷ đồng), tăng 3,5% so với cùng kỳ năm trước. Mức chi phí này chỉ cao hơn con số tiêu chuẩn trung bình 6,4 triệu USD trên megawatt của Đài Loan và thấp hơn nhiều so với các nước láng giềng như Trung Quốc đại lục (7,1 triệu USD), Thái Lan (7,6 triệu USD), Indonesia (8,7 triệu USD), Malaysia (9 triệu USD)...
Trong danh mục các chi phí xây dựng ở Việt Nam, chi phí cho hệ thống điện chiếm 26%, theo sau là hệ thống cơ khí và xây dựng lần lượt là 13%.
Các chi phí khác bao gồm hệ thống làm mát, hệ thống an toàn và phòng cháy chữa cháy, hệ thống bảo vệ, giá đỡ, tủ kệ, thiết bị và dây cáp. Giá đất chỉ chiếm 5% tổng chi phí, với mức giá đất trung bình có vị trí ở khu vực ngoại ô đi kèm với cơ sở hạ tầng sẵn có tại TP.HCM và Hà Nội đạt 209 USD/m2.
Trung tâm dữ liệu có chi phí xây dựng đắt đỏ nhất châu Á Thái Bình Dương thuộc về Nhật Bản với mức phí hơn 13,2 triệu USD trên megawatt. Tiếp theo là Singapore (11,7 triệu USD) và Australia (9,6 triệu USD).
Nhờ chi phí xây dựng và giá đất cạnh tranh, vị trí địa lý đắc địa, Việt Nam có nhiều tiềm năng trở thành một thị trường dữ liệu lớn trong khu vực. Các doanh nghiệp tiên phong như Apple, Intel, Canon, Samsung, LG, LEGO, Airbus và các tổ chức toàn cầu khác đã bắt đầu hợp tác với các đối tác tại Việt Nam để thiết lập các chiến lược chuyển đổi số như một phần của cách tiếp cận toàn diện đối với kinh doanh toàn cầu.
Chính phủ Việt Nam cũng đã công bố Dự án Trung tâm Dữ liệu Quốc gia, nhằm lưu trữ dữ liệu chính phủ một cách an toàn hơn khi tiến tới số hóa mạnh mẽ trong khu vực công. Những nỗ lực này thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp tiên phong và mở rộng năng lực các trung tâm dữ liệu tại Việt Nam.
Tuy nhiên, thị trường trung tâm dữ liệu tại Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế cần vượt qua. Theo Tổng giám đốc Cushman & Wakefield, một trong những thách thức lớn nhất là khả năng cung cấp điện ổn định, điều này rất quan trọng để duy trì hoạt động của các trung tâm dữ liệu. Việt Nam thường xuyên xảy ra tình trạng mất điện do lưới điện quốc gia gặp khó khăn trong đáp ứng nhu cầu tiêu thụ cao điểm.
Ngoài ra, các quy định pháp lý và thủ tục hành chính phức tạp cũng là một rào cản lớn. Việc xin các giấy phép cần thiết và điều hướng bối cảnh pháp lý rộng hơn ở Việt Nam có thể gặp nhiều khó khăn. Cuối cùng, nguồn lao động có tay nghề trong lĩnh vực xây dựng và vận hành trung tâm dữ liệu vẫn còn hạn chế.
Huyền My (t/h)Không khí mát mẻ và trong lành, nắng vàng ấm áp nhẹ nhàng chiếu xuyên qua những tầng mây làm nền cho ngàn hoa đang đua nở, Fansipan (Sa Pa) là điếm đến du xuân không thể nào đẹp hơn cho những ngày đầu năm mới Ất Tỵ.