Việt Nam có cơ hội vươn lên phát triển
Trước thềm Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, ông Trần Tuấn Anh - Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã cho rằng, Việt Nam có cơ hội quý giá để vươn lên phát triển, và cần những quyết sách chủ động, kịp thời và hiệu quả.
Là Ủy viên Bộ Chính trị khóa XIII, Bộ trưởng Bộ Công thương, đến giáp Tết Tân Sửu 2021, ông Trần Tuấn Anh được Bộ Chính trị phân công giữ chức Trưởng ban Kinh tế Trung ương. Trao đổi với báo chí nhân dịp này, Trưởng ban Kinh tế Trung ương đã nhấn mạnh: Tổng kết nhiệm kỳ khóa XII và nhìn lại 35 năm đổi mới, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng khẳng định toàn Đảng, toàn dân đã đạt được những thành tựu quan trọng: "Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay".
Trong 5 năm qua, kinh tế Việt Nam duy trì được tốc độ tăng trưởng bình quân khá cao (khoảng 5,9%). Năm 2020, trong bối cảnh đại dịch Covid – 19 tác động mạnh đến Việt Nam, gây nhiều thiệt hại nhưng với sự nỗ lực, đất nước đã đạt được những kết quả đặc biệt. Trong khi kinh tế thế giới suy thoái, tăng trưởng âm gần 4%, kinh tế Việt Nam vẫn đạt mức tăng trưởng 2,91%, là một trong những nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng cao nhất thế giới.
Cơ hội bứt phá
Theo Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh, đối với năm 2021 và những năm tiếp theo, bối cảnh và tình hình thế giới đang đặt ra cho Việt Nam những thách thức to lớn nhưng cũng tạo nên cơ hội vô cùng quý giá để có thể tận dụng nhằm thu hẹp khoảng cách phát triển và vươn lên mạnh mẽ. Dòng chảy đầu tư của thế giới vốn đang trong quá trình dịch chuyển, cộng thêm tác động của dịch Covid – 19 càng làm cho đích đến của các nguồn vốn đầu tư chuyển về các địa bàn có môi trường ổn định, trong đó Việt Nam đang trở thành điểm sáng, ngày càng chiếm được lòng tin của các doanh nghiệp và nhà đầu tư trên thế giới.
Quá trình chuyển đổi số, sự phát triển các mô hình kinh doanh mới, sự thay đổi phương thức sản xuất, tiêu dùng và giao tiếp trên toàn cầu, sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ và cách mạng công nghiệp lần thứ tư... không chỉ tác động trực tiếp tới các hoạt động thương mại mà còn làm thay đổi các phương thức sản xuất truyền thống. Đây vừa là thách thức nhưng cũng là cơ hội tốt để những nền kinh tế đang phát triển như Việt Nam có thể rút ngắn thời gian, bắt kịp các nền kinh tế phát triển.
Để có thể vượt qua khó khăn, thử thách và tạo được bứt phá trong phát triển, cần quán triệt tinh thần chung đó là: "Ngoại lực là quan trọng, nhưng nội lực đóng vai trò quyết định". Theo đó, cùng với quá trình hội nhập, thúc đẩy xuất khẩu, mở rộng thị trường thì cần hướng trọng tâm cao hơn vào việc củng cố, phát huy vai trò của thị trường trong nước. Đồng thời, thúc đẩy tái cơ cấu, nâng cao năng lực nội tại của các ngành công nghiệp Việt Nam.
Các định hướng lớn cần tập trung thực hiện là:
Một là, tiếp tục hoàn thiện thể chế, xây dựng khung khổ luật pháp, chính sách, tạo môi trường thuận lợi, thông thoáng cho đầu tư kinh doanh trên thị trường trong nước, thiết lập trật tự thị trường để thích ứng với bối cảnh, tình hình mới.
Hai là, tái cơ cấu ngành thương mại, công nghiệp theo hướng đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, tăng khả năng tham gia chuỗi giá trị, các hệ sinh thái toàn cầu và khu vực;
Ba là, tập trung khai thác có hiệu quả thị trường trong nước, xây dựng và phát triển hạ tầng thương mại trong nước đồng bộ, hiện đại và bền vững;
Bốn là, phát triển đội ngũ doanh nghiệp trong nước, củng cố các doanh nghiệp lớn, nòng cốt trong các lĩnh vực sản mũi nhọn, đặc biệt là những ngành, lĩnh vực áp dụng chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ cao.
Tiếp tục hỗ trợ hình thành các tập đoàn/doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực phân phối; Tập trung tháo gỡ khó khăn, xây dựng và thực hiện các chính sách để hỗ trợ hiệu quả cho các doanh nghiệp, các chủ thể tham gia vào chuỗi sản xuất và cung ứng hàng hóa, đặc biệt là hàng hóa nông sản.
Cùng với đó, cần tiếp tục tăng cường công tác quản lý thị trường, phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng.
Ngành Công Thương phấn đấu tăng trưởng 9,45%
Tại cuộc họp Chính phủ đầu tháng 2/2021, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu tập trung triển khai các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng trong 6 tháng đầu năm 2021. Trong đó, Thủ tướng nhấn mạnh phải thúc đẩy cả 3 không gian kinh tế: kinh tế trong nước với thị trường gần 100 triệu dân, kinh tế quốc tế với hội nhập được đẩy mạnh và kinh tế số.
Tại phiên họp này, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã nhấn mạnh, "Nếu dịch bệnh không nhanh chóng được khống chế mà tiếp tục lan rộng thì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của người lao động và nguy cơ bị đình trệ sản xuất kinh doanh của các tập đoàn. Về lâu dài, nguy cơ này sẽ ảnh hưởng đến cả hoạt động thương mại quốc tế của chúng ta".
Cũng theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, năm 2021, mục tiêu ưu tiên hàng đầu của ngành Công Thương là thực hiện đầy đủ, nghiêm túc và kịp thời những chỉ thị, chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ trong phòng, chống dịch bệnh, bảo đảm an toàn cho người dân. Mặt khác, Bộ tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp trong khuôn khổ công việc của ngành nhằm mục tiêu góp phần khôi phục nền kinh tế trở lại trạng thái bình thường, bảo đảm sự ổn định đời sống của nhân dân.
Trao đổi với báo chí để làm rõ hơn về các mục tiêu và giải pháp của ngành để thúc đẩy sản xuất kinh doanh trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp trở lại, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, ngay khi Nghị quyết 01 và 02 năm 2021 được Chính phủ ban hành, Bộ đã ban hành các Chương trình hành động thực hiện các Nghị quyết này để thống nhất tổ chức triển khai trong toàn ngành, đồng thời xây dựng kịch bản tăng trưởng của toàn ngành theo từng quý và cả năm 2021 để triển khai thực hiện.
Với việc cơ bản kiểm soát thành công đại dịch COVID-19 trong năm 2020, tình hình kinh tế vĩ mô tháng 01 năm 2021 cơ bản ổn định, nền kinh tế Việt Nam tiếp tục duy trì đà phục hồi. Sản xuất công nghiệp tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tháng 1 tăng 22,2% so với cùng kỳ năm 2020, trong đó, tốc độ tăng trưởng ngành chế biến, chế tạo đạt 27,2%.
Thương mại trong nước có mức tăng trưởng tích cực, tăng 6,4% so với cùng kỳ năm trước nhờ nhu cầu tiêu dùng, chuẩn bị đón Tết gia tăng và các doanh nghiệp, trung tâm thương mại, siêu thị... chủ động đưa ra nhiều chương trình khuyến mại, giảm giá nhằm kích cầu, thu hút tiêu dùng của người dân.
Hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa duy trì mức tăng trưởng ấn tượng, ước tính tháng 01/2021, Việt Nam tiếp tục xuất siêu 1,3 tỷ USD. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa ước tính đạt 54,1 tỷ USD, tăng 45,7% so với cùng kỳ năm trước. Xuất siêu tiếp tục là điểm sáng với động lực xuất khẩu từ ngành chế biến, chế tạo.
Tuy nhiên, dịch COVID-19 xuất hiện trở lại trong cộng đồng vào cuối tháng 01 với biến chủng mới có tốc độ lây lan nhanh, đòi hỏi cần khẩn trương, quyết liệt trong việc thực hiện khoanh vùng, cách ly, không để dịch bệnh lan rộng cũng đã có những tác động đáng kể đến hoạt động giao thương hàng hóa.
Đáng chú ý, dịch bệnh xảy ra vào dịp gần Tết đã ảnh hưởng đến tiêu thụ hàng hóa của bà con nông dân; một số nhà máy sản xuất ở các khu công nghiệp đã bị ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp bởi dịch bệnh như ở Hải Dương...
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết: "Với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị và kinh nghiệm chống dịch trong năm 2020, chúng ta có thể hy vọng dịch bệnh sẽ sớm được kiểm soát, hoạt động sản xuất và thương mại tiếp tục được phục hồi và tăng trưởng"…
PV (tổng hợp)Công ty CP Vận tải đường sắt cho biết tổ chức chạy tăng cường thêm nhiều chuyến tàu tuyến Bắc - Nam phục vụ người dân về quê, đón tết Nguyên đán 2025.