Việt Nam có hơn 22 nghìn doanh nghiệp FDI, tăng gần 60% so với cuối năm 2016

Đầu tư và Tiếp thị
05:43 AM 16/01/2022

Theo báo cáo mới đây của Tổng cục Thống kê, số lượng doanh nghiệp tăng nhanh qua từng năm trong giai đoạn 2016-2019, tuy nhiên có xu hướng tăng chậm lại vào năm 2020 do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.

Cụ thể, tính đến thời điểm 31/12/2020, cả nước có 683,6 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động có kết quả sản xuất kinh doanh, tăng 2,3% so với năm 2019. Đây là mức tăng thấp nhất trong cả giai đoạn 2016-2020, do ảnh hưởng nghiêm trọng từ đại dịch Covid-19 làm đứt gãy trong chuỗi cung ứng toàn cầu, kinh tế thế giới nói chung và kinh tế Việt Nam nói riêng gặp nhiều khó khăn.

Hệ lụy của đại dịch đã kéo theo sự suy giảm tốc độ tăng số lượng doanh nghiệp và sự sụt giảm mạnh mẽ lao động làm việc trong các doanh nghiệp.

So với cùng thời điểm năm 2016, số lượng doanh nghiệp tăng 35,3%, với tốc độ tăng bình quân giai đoạn 2016-2020 đạt 7,9%/năm. Nếu tính riêng giai đoạn 2016-2019, tốc độ tăng doanh nghiệp bình quân mỗi năm đạt 9,8%/ năm, với tốc độ tăng các năm 2017, 2018 và 2019 lần lượt là 11,0%; 9,0% và 9,5%.

Số lượng doanh nghiệp ngoài nhà nước và FDI tăng, ngược lại doanh nghiệp nhà nước giảm với tốc độ chậm.

Việt Nam có hơn 22 nghìn doanh nghiệp FDI, tăng gần 60% so với cuối năm 2016 - Ảnh 1.

Theo loại hình doanh nghiệp, tại thời điểm 31/12/2020, khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước tập trung nhiều doanh nghiệp nhất, với 659,4 nghìn doanh nghiệp, chiếm 96,5% tổng số doanh nghiệp cả nước, tăng 1,8% so với năm 2019 và tăng 35,0% so với năm 2016. Số lượng doanh nghiệp FDI là 22,2 nghìn doanh nghiệp, chiếm 3,2% tổng số doanh nghiệp, đây là khu vực có tốc độ tăng số doanh nghiệp nhanh nhất trong ba khu vực, tăng 58,6% so với thời điểm 31/12/2016.

Do chủ trương cổ phần hóa, sắp xếp lại của Nhà nước, các doanh nghiệp nhà nước liên tục giảm trong giai đoạn này, tính đến 31/12/2020, tổng số doanh nghiệp nhà nước chỉ còn gần 2 nghìn doanh nghiệp, chiếm 0,3% tổng số doanh nghiệp, giảm 25,1% so với năm 2016.

Bình quân giai đoạn 2016-2020, khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước tăng bình quân 7,8%/năm (42,7 nghìn doanh nghiệp/năm). Khu vực doanh nghiệp FDI mỗi năm tăng bình quân 12,2%/năm (2,1 nghìn doanh nghiệp/năm). Tiến trình cổ phần hóa, sắp xếp lại khu vực doanh nghiệp nhà nước diễn ra tương đối chậm, với tốc độ giảm bình quân mỗi năm là 7,0%, tương đương với giảm 167 doanh nghiệp mỗi năm.

Chuyển dịch cơ cấu kinh tế của Việt Nam trong những năm gần đây thay đổi rõ rệt giữa các khu vực, điều này thể hiện trong việc giảm dần tỷ trọng khu vực nông nghiệp trong khi tăng dần tỷ trọng khu vực công nghiệp, xây dựng và khu vực dịch vụ.

Việt Nam có hơn 22 nghìn doanh nghiệp FDI, tăng gần 60% so với cuối năm 2016 - Ảnh 2.

Các doanh nghiệp thuộc khu vực dịch vụ luôn có số lượng lớn nhất. Tại thời điểm 31/12/2020, số doanh nghiệp dịch vụ đạt 465,6 nghìn doanh nghiệp, chiếm 68,2% trong tổng số doanh nghiệp, tăng 3,1% so với cùng thời điểm năm 2019 và tăng 31,4% so với cùng thời điểm năm 2016.

Khu vực công nghiệp, xây dựng luôn đóng vai trò động lực tăng trưởng của nền kinh tế với số lượng doanh nghiệp đạt 211,5 nghìn doanh nghiệp năm 2020, chiếm tỷ trọng 30,9%, tăng 0,9% so với năm 2019 và tăng 44,5% so với năm 2016.

Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản có số lượng doanh nghiệp năm 2020 đạt 6,5 nghìn doanh nghiệp, chiếm tỷ trọng 0,9%, giảm 13,6% so với năm 2019 do ảnh hưởng của dịch bệnh, nhưng tăng tới 45,2% so với năm 2016.

Giai đoạn 2016-2020, bình quân mỗi năm khu vực dịch vụ có tốc độ tăng số lượng doanh nghiệp đạt 7,1%/năm, thấp hơn mức tăng trưởng bình quân 8,5% của giai đoạn 2011-2015.

Trong khi đó, cũng trong giai đoạn này, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản và khu vực công nghiệp, xây dựng đạt tốc độ tăng trưởng bình quân mỗi năm lần lượt là 9,8%/năm và 9,6%/năm, cao hơn mức tăng trưởng bình quân 3,8%/năm và 7,2%/năm của giai đoạn 2011-2015. Nếu chỉ xét riêng giai đoạn 2016-2019, hai khu vực này còn đạt mức tăng trưởng ấn tượng hơn nữa, với tốc độ tăng bình quân mỗi năm đạt 18,9% và 12,7%.

Anh Vũ
Ý kiến của bạn
Tổng nhu cầu vốn ngành năng lượng khoảng hơn 4.000 nghìn tỷ đồng Tổng nhu cầu vốn ngành năng lượng khoảng hơn 4.000 nghìn tỷ đồng

Theo Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tổng nhu cầu vốn đầu tư của ngành năng lượng toàn giai đoạn 2021 - 2030 cần khoảng 4.133 - 4.808 nghìn tỷ đồng.