Việt Nam có hơn 73.700 doanh nghiệp công nghệ số

Doanh nghiệp
08:41 AM 23/01/2025

Tính đến cuối năm 2024, Việt Nam có 73.788 doanh nghiệp công nghệ số, tăng 10,1% so với cùng kỳ năm 2023, cùng với gần 1,26 triệu lao động hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông.

Thế giới đang bước vào một cuộc cạnh tranh, chạy đua để làm chủ công nghệ số, làm chủ quá trình chuyển đổi số nhằm xây dựng một nền kinh tế số, xã hội số, công dân số. Đây là mục tiêu mong muốn của các nước phát triển và cũng là cơ hội cho các nước như Việt Nam cùng bước vào một vạch xuất phát để cạnh tranh ngang bằng với các nước tiên tiến trên thế giới.

Năm 2024, doanh thu ngành công nghiệp công nghệ số đạt giá trị gần 158 tỷ USD, tăng hơn 10% so với năm 2023. Giá trị Việt Nam chiếm gần 32% trong tổng doanh thu công nghiệp công nghệ số năm 2024, cao hơn 12% so với năm 2019. Tổng số nhân lực đạt 1,67 triệu người, tăng 67% so với năm 2019; Toàn ngành có 73.788 doanh nghiệp đang hoạt động tăng 10,12% (so với 2023). Việt Nam đang được xếp hạng top đầu thế giới: (1) Đứng thứ 2 thế giới về xuất khẩu điện thoại di động thông minh; (2) Đứng thứ 5 thế giới về xuất khẩu linh kiện máy tính; (3) Đứng thứ 6 thế giới về xuất khẩu thiết bị máy tính; (4) Đứng thứ 8 thế giới về thiết bị linh kiện điện tử; (5) Đứng thứ 7 thế giới về gia công phần mềm. Điều này cho thấy, các doanh nghiệp công nghệ số ngày càng đóng vai trò chủ lực trong nền kinh tế.

Việt Nam có hơn 73.700 doanh nghiệp công nghệ số- Ảnh 1.

Ảnh minh hoạ (Ảnh: Internet)

Phát biểu tai Diễn đàn quốc gia về phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam lần thứ VI với chủ đề "Làm chủ công nghệ số, làm chủ quá trình chuyển đổi số Việt Nam bằng doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam", Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định Make in Viet Nam sẽ không chỉ giúp Việt Nam thịnh vượng mà còn giúp Việt Nam có hòa bình lâu dài; góp phần phát triển ngành công nghiệp quốc phòng, an ninh hùng mạnh.

Đặc biệt, công nghệ số còn là mục tiêu của Việt Nam trong việc tự chủ và cạnh tranh về công nghệ, nhất là công nghệ chiến lược với thế giới đã được nêu ra tại Nghị quyết 57 ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Theo đó, Việt Nam phấn đấu phải làm chủ các công nghệ chiến lược để làm chủ tiến trình chuyển đổi số Việt Nam. Chỉ như vậy, Việt Nam mới có thể phát triển bền vững.

Để đạt được mục tiêu trở thành nước có thu nhập trung bình cao vào năm 2030 khi Đảng ta tròn 100 tuổi và trở thành quốc gia phát triển vào năm 2045, Việt Nam phải dựa vào công nghệ số, dựa vào các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam để phát triển. Từ đó, góp phần đưa Việt Nam trở thành cường quốc về công nghệ số, làm chủ công nghệ số và làm chủ quá trình chuyển đổi số.

Huyền My (t/h)
Ý kiến của bạn