Việt Nam có hơn 87% người trưởng thành sở hữu tài khoản thanh toán
Đến hết 2023, Việt Nam có hơn 182 triệu tài khoản thanh toán cá nhân và có 87,08% người trưởng thành sở hữu tài khoản thanh toán.
Đây là những thông tin được ông Lê Anh Dũng, Phó vụ trưởng Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước, cho biết tại họp báo "Ngày không tiền mặt" 2024 với chủ đề "Thúc đẩy phát triển thanh toán không tiền mặt an toàn" diễn ra vào chiều nay, 28/5. Sự kiện do báo Tuổi Trẻ phối hợp Vụ Thanh toán - Ngân hàng Nhà nước tổ chức.
Ông Phó vụ trưởng Vụ Thanh toán cho hay, các chỉ số thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) có sự tăng trưởng mạnh mẽ. Cụ thể, số lượng giao dịch thanh toán qua kênh Internet và Mobile bình quân giai đoạn 2021-2023 lần lượt tăng trưởng ở mức 52% và 103,3%; tăng trưởng về số lượng và giá trị thanh toán qua phương thức QR Code đạt hơn 170%.
Ngoài ra, đến hết 2023, Việt Nam có hơn 182 triệu tài khoản thanh toán cá nhân và có 87,08% người trưởng thành sở hữu tài khoản thanh toán. Về mở tài khoản qua phương thức eKYC, 40 ngân hàng báo cáo đã triển khai chính thức với gần 35 triệu tài khoản thanh toán mở bằng eKYC đang hoạt động…
Trong 2 năm qua, Ngân hàng Nhà nước đã hợp tác với Ngân hàng Trung ương một số nước trong khu vực ASEAN như Thái Lan, Campuchia và Lào triển khai thử nghiệm các kết nối thanh toán song phương qua mã QR Code nhằm thúc đẩy thanh toán bán lẻ xuyên biên giới qua mã QR code giữa Việt Nam và các nước.
Thời gian qua Ngân hàng Nhà nước đã nghiên cứu, tham mưu trình cấp có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền một số chính sách, quy định tạo thuận lợi cho phát triển thanh toán không dùng tiền mặt như Luật Phòng, chống rửa tiền, Luật Các tổ chức tín dụng 2024, nghị định 52 của Chính phủ về thanh toán không dùng tiền mặt có hiệu lực thi hành từ 1/7/2024.
Ngân hàng Nhà nước cũng đã nghiên cứu, ban hành nhiều chính sách để thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt. Mới nhất là quyết định 2345 về các giải pháp về an toàn bảo mật trong thanh toán trực tuyến và thanh toán thẻ ngân hàng theo hướng cân đối giữa xác thực khách hàng mạnh và trải nghiệm khách hàng xuyên suốt…
Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước cũng đã thành lập tổ công tác và ban hành Kế hoạch 01 của ngành ngân hàng triển khai Đề án 06. Hạ tầng phục vụ thanh toán không dùng tiền mặt liên tục được quan tâm đầu tư nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ, mở rộng tiện ích, nâng cao năng lực xử lý.
Theo Vụ Thanh toán, số liệu 4 tháng đầu năm 2024 so với cùng kỳ năm 2023 cho thấy, các chỉ số TTKDTM có mức tăng trưởng khá. Giao dịch TTKDTM tăng 57,11% về số lượng và 39,49% về giá trị; qua kênh Internet tăng 47,48% về số lượng và 30,20% về giá trị; qua kênh điện thoại di động đạt tăng 59,26% về số lượng và 35,91% về giá trị.
Giao dịch qua ATM tiếp tục giảm 14,15% về số lượng và giảm 7,84% về giá trị so với cùng kỳ năm 2023, cho thấy xu hướng dịch chuyển từ thanh toán bằng tiền mặt sang TTKDTM.
Mong muốn đẩy mạnh TTKDTM, đại diện Vụ Thanh toán cho biết sẽ tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện hành lang pháp lý, cơ chế, chính sách, thúc đẩy TTKDTM đáp ứng yêu cầu thực tiễn và đảm bảo an ninh, an toàn.
Triển khai hiệu quả các Đề án của Chính phủ, Chiến lược, Kế hoạch của ngành Ngân hàng về TTKDTM, Chuyển đổi số, phối hợp thực hiện Đề án 06; Phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, địa phương để nghiên cứu, thiết lập hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, thống nhất nhằm tạo thuận lợi và thúc đẩy kết nối dịch vụ thanh toán,...
Huyền My (t/h)Sáng 21/01, Tạp chí Doanh nghiệp và Tiếp thị đã tổ chức Hội nghị tổng kết hoạt động năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025.