Việt Nam có thể coi là "cửa ngõ" của EU vào Đông Nam Á và Trung Quốc

Tiêu điểm
10:20 AM 04/11/2021

Tuy nhiên, vị trí cửa ngõ này cũng đang đứng trước rất nhiều thách thức khi EU đang đàm phán FTA với các quốc gia khác trong khu vực như Thái Lan, Malaysia, Philippine và Indonesia.

Điều gì khiến xuất khẩu sang EU tăng 6,2%?

Chiều 3/11, Hội thảo công bố báo cáo đánh giá một năm thực hiện EVFTA được Viện nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) thực hiện, dưới sự hỗ trợ của Viện Konrad - Adenauer Stiftung (KAS) tại Việt Nam.

Bất chấp những ảnh hưởng của dịch Covid-19, xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường EU năm 2020 vẫn đạt 35,15 tỷ USD, tương đương với năm 2019. Đáng chú ý trong năm 2020, Việt Nam đã vượt qua Ấn Độ để trở thành một trong mười đối tác nhập khẩu chính của EU, với tỷ trọng 1,23%.

Hầu hết các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang EU lại giảm so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, mặt hàng điện thoại các loại và linh kiện giảm 27,9%; hàng dệt may giảm 15,2% và giày dép các loại giảm 11,3%.

Việt Nam có thể coi là cửa ngõ của EU vào Đông Nam Á và Trung Quốc - Ảnh 1.

Nguồn: VEPR

Tuy nhiên, sau một năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường EU đã đạt 39,8 tỷ USD tính đến ngày 31/07/2021, tăng 6,2% so với cùng kỳ năm 2020. Nhóm nghiên cứu có giải thích sự tăng trưởng này là do kim ngạch xuất khẩu sắt thép tăng gấp 5-6 lần so với cùng kỳ năm trước. 

Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ thị trường này đạt 16,51 tỷ USD, tăng hơn 24% so với cùng kỳ năm 2020. Các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu từ EU bao gồm dược phẩm, máy móc, thiết bị và dụng cụ khác, sản phẩm hóa chất.

Trong đó, Ireland là thị trường mà Việt Nam nhập khẩu lớn nhất, chủ yếu là máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện.

Việt Nam - EU là mối quan hệ bổ sung 

TS. Lê Đăng Doanh, Chuyên gia Kinh tế Cao cấp, cho biết Việt Nam tránh phụ thuộc nhiều hoặc hoàn toàn vào thương mại với Trung Quốc. Thay vào đó, nước ta cần đẩy mạnh quan hệ thương mại với EU.

Bởi cơ cấu kinh tế của Việt Nam và EU là bổ sung cho nhau. Còn cơ cấu kinh tế của Việt Nam với Trung Quốc là cạnh tranh “trên từng cây số” về các mặt hàng như điện tử, dệt may, đồ gỗ và nông sản.

Theo đó, những mặt hàng Việt Nam xuất khẩu nhiều sang EU như nông sản, điện tử hay đồ gỗ thì bổ sung cho EU. Còn những mặt hàng Việt Nam nhập khẩu từ EU như máy bay Airbus, ô tô thì bổ sung cho kinh tế Việt Nam.

Việt Nam cũng cần cải tiến hơn nữa để đáp ứng với những tiêu chuẩn cao của thị trường EU. Theo TS. Lê Đăng Doanh, việc nói EU là thị trường khó tính là không đúng mà phải gọi là tiêu chuẩn cao, đỏi hỏi Việt Nam cần sớm tìm ra giải pháp để đáp ứng những yêu cầu này.

Ngoài ra, Việt Nam cũng cần đẩy mạnh kinh tế số, chính phủ điện tử và công nghệ thông tin. Từ đó, doanh nghiệp ở Việt Nam cũng có thể kết nối trực tiếp với doanh nghiệp EU qua mạng, để có thể cho đối tác thấy rõ quá trình xử lý, chế biến sản phẩm đảm bảo quy cách bất cứ lúc nào. 

Việt Nam có thể coi là cửa ngõ của EU vào Đông Nam Á và Trung Quốc - Ảnh 2.

TS. Lê Đăng Doanh, Chuyên gia Kinh tế Cao cấp. Ảnh chụp màn hình.

Việt Nam mới chỉ là cường quốc về số lượng  

TS. Lê Quốc Phương, Nguyên Phó giám đốc Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại, Bộ Công Thương, cho rằng Việt Nam cần thúc đẩy xuất khẩu một cách thực chất, chứ không phải chỉ về kim ngạch xuất khẩu. Tức là, Việt Nam cần chú trọng đến cả giá trị gia tăng thay vì chỉ mỗi số lượng.

Ông Lê Quốc Phương nhận định:”Việt Nam hiện nay là nước đứng thứ 31 trên thế giới về xuất khẩu, trong số 240 nền kinh tế trên thế giới. Như vậy chúng ta có thể được xem là cường quốc xuất khẩu, nhưng cường quốc số lượng. Chúng ta không thể là cường quốc về chất lượng được.”  

Trong năm 2020, tổng giá trị xuất khẩu Việt Nam được 282,6 tỷ USD, bất chấp ảnh hưởng của dịch Covid-19. Còn năm 2021, Việt Nam dự kiến giá trị xuất khẩu đạt hơn 300 tỷ USD. 

Tuy nhiên, giá trị gia tăng của các mặt hàng xuất khẩu vẫn còn thấp, chỉ cao hơn vài nước đi sau ở ASEAN. Giá trị gia tăng của nước ta còn kém Singapore, Malaysia, Indonesia, Thái Lan và thậm chí cả Philippine. 

Do đó, ông Phương nhận định, việc thúc đẩy số lượng xuất khẩu dựa vào EVFTA cũng không đem lại nguồn lợi nhiều, mà cần phải tập trung thúc đẩy tăng trưởng chất lượng và giá trị gia tăng của các mặt hàng xuất khẩu. 

Việt Nam có thể coi là cửa ngõ của EU vào Đông Nam Á và Trung Quốc - Ảnh 3.

TS. Lê Quốc Phương, Nguyên Phó giám đốc Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại, Bộ Công Thương. Ảnh chụp màn hình.

Những thách thức đối với Việt Nam

Ông Jean-Jacques Bouflet, Phó chủ tịch của Hiệp hội các doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (Eurocham) cho biết, hiện nay có 3 rào cản lớn nhất làm hạn chế tiềm năng của EVFTA trong tương lai bao gồm: thủ tục hành chính, rào cản kỹ thuật, và thiếu kiến thức về EVFTA. 

Tuy nhiên, việc xóa bỏ thuế quan trong quá trình thực hiện EVFTA còn gặp nhiều khó khăn, điển hình là trong ngành dược phẩm, ô tô. Trước đó, Việt Nam đã có thời gian áp dụng các chế độ thuế quan mới, nhưng lại tạo ra thêm những rào cản thương mại mới. Điều này đã làm “xói mòn” niềm tin của những nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. 

Theo ông Jean-Jacques Bouflet, Việt Nam phải chấp nhận việc gia tăng thương mại và các FTAs sẽ dẫn đến hiện tượng cạnh tranh của doanh nghiệp nội địa trên sân nhà và quốc tế. Điều này đòi hỏi, doanh nghiệp phải cải tiến sản phẩm, nâng cao tính hấp dẫn trên thị trường quốc tế. 

Việt Nam có thể coi là cửa ngõ của EU vào Đông Nam Á và Trung Quốc - Ảnh 4.

Toàn cảnh sự kiện "Báo cáo đánh giá một năm thực hiện hiệp định EVFTA". Ảnh chụp màn hình.

TS. Vũ Thanh Hương, Phó trưởng khoa Kinh tế và Kinh doanh quốc tế, trường Đại học Kinh tế, ĐHQGHN lại đề cập đến rào cản về phòng vệ thương mại. Hiện nay, tỷ lệ sử dụng EVFTA của Việt Nam rất cao, nhưng những mặt hàng xuất khẩu nhiều lại nằm trong nhóm những ngành “nhạy cảm”, dễ bị dính vào các vụ phòng vệ thương mại. 

Theo báo cáo của nhóm nghiên cứu, Việt Nam đang là nước dẫn đầu trong thương mại hai chiều với EU, có thể coi như một cửa ngõ (gateway) của EU vào Đông Nam Á và có thể là cả Trung Quốc. Tuy nhiên, EU cũng đang đàm phán FTA với các quốc gia khác trong khu vực như Thái Lan, Malaysia, Philippine và Indonesia. Đây đều là các quốc gia cạnh tranh trực tiếp với Việt Nam trong việc xuất khẩu hàng hóa sang khu vực EU. Do đó, Việt Nam cần tận dụng tối đa lợi thế và cơ hội của người đi trước để có thể duy trì và phát huy được lợi thế như một “cửa ngõ” trong quan hệ thương mại với EU.

Đặng Sơn
Ý kiến của bạn