Việt Nam có thể nhập khẩu tới 8.000 MW điện từ Lào
Dự kiến Việt Nam nhập khẩu điện khoảng 5.000 MW từ Lào, có thể tăng lên 8.000 MW khi có điều kiện thuận lợi với giá điện hợp lý.
Nội dung trên được nêu tại Kế hoạch thực hiện Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050 (Quy hoạch điện VIII) vừa được Phó thủ tướng Trần Hồng Hà ký ngày 1/4.
Kế hoạch nhằm thực hiện chuyển dịch năng lượng mạnh mẽ từ nhiên liệu hóa thạch sang các nguồn năng lượng mới, năng lượng tái tạo để giảm ô nhiễm môi trường, giảm phát thải khí nhà kính.
Điều này góp phần hướng tới các mục tiêu đã cam kết theo Đóng góp do quốc gia tự quyết định và mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 của Việt Nam.
Đây là cơ sở để các doanh nghiệp, nhà đầu tư thực hiện các dự án nằm trong Quy hoạch điện VIII đã được duyệt.
Theo kế hoạch, các loại hình nguồn điện khác tới năm 2030 dự kiến phát triển 300MW các nguồn điện linh hoạt, ưu tiên phát triển tại các khu vực có khả năng thiếu hụt công suất dự phòng; tận dụng hạ tầng lưới điện sẵn có.
Dự kiến tổng công suất nhập khẩu điện từ Lào khoảng 5.000 MW, có thể tăng lên 8.000 MW khi điều kiện thuận lợi và giá hợp lý để tận dụng tiềm năng nguồn điện xuất khẩu của nước này. Cùng với đó, ngành điện cũng ưu tiên đầu tư các dự án lưới truyền tải kết nối với nước láng giềng, đường dây dự phòng cho tăng trưởng nhu cầu điện và phát triển nguồn khu vực, gồm nhập khẩu.
Thực tế, Việt Nam đã mua điện của Lào, chủ yếu là thủy điện, từ năm 2016 theo thỏa thuận hợp tác liên Chính phủ hai nước. Hiện, điện từ Lào nhập về Việt Nam được truyền tải qua đường dây 220 kV. Tuy nhiên, từ năm ngoái lượng điện mua từ nước láng giềng bắt đầu tăng khi miền Bắc thiếu điện.
Ngoài thủy điện, Bộ Công Thương đang đề xuất Chính phủ nhập thêm điện gió từ Lào.
Minh An (t/h)Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đồng ý chủ trương điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, bổ sung sân bay Gia Bình vào quy hoạch.