Việt Nam có thể trở thành "con hổ kinh tế" tiếp theo của châu Á
Việt Nam đã đạt được nhiều tiêu chí và có các động lực để trở thành một nền kinh tế "con hổ" khu vực châu Á. Nhưng để đạt mục tiêu này, Việt Nam cần đầu tư vào giáo dục, cải thiện cơ sở hạ tầng và thực hiện các cải cách chính sách.
Tại hội thảo "Đổi mới để vươn mình trong kỷ nguyên mới" tại TP. HCM diễn ra mới đây, theo các chuyên gia, TPHCM đang chuyển mình mạnh mẽ, hướng tới phát triển bền vững và hội nhập sâu rộng vào kinh tế khu vực và thế giới.
Ông Sam Korsmoe - tác giả cuốn sách “Việt Nam - Ngôi sao đang lên của châu Á” - nói rằng, ông và nhóm nghiên cứu tập trung vào giả thuyết rằng Việt Nam có thể phát triển theo hướng mà Đài Loan và Hàn Quốc đã thành công trong quá khứ, trở thành “con hổ kinh tế tiếp theo của châu Á”.
Theo ông Sam Korsmoe, nền kinh tế con hổ được định nghĩa là nền kinh tế phát triển rất nhanh và vượt qua bẫy thu nhập trung bình. Những quốc gia như Hồng Kông (Trung Quốc), Singapore, Hàn Quốc và Đài Loan (Trung Quốc) được xem là các nền kinh tế đã tạo ra sự tăng trưởng kỳ diệu ở khu vực châu Á.
Để làm rõ khái niệm “nền kinh tế con hổ”, nhóm nghiên cứu đã xây dựng 6 tiêu chí đánh giá: xuất khẩu, công nghiệp hóa, chuyên môn hóa, thị trường, định hướng lãnh đạo, và đổi mới lãnh đạo.
Thứ nhất, có sự tăng trưởng ròng của hầu hết các chỉ số kinh doanh và kinh tế trong ít nhất 10 năm liên tiếp.
Thứ hai, có sự chuyển dịch nhất quán lên chuỗi giá trị của các sản phẩm sản xuất xuất khẩu chất lượng cao.
Thứ ba, phát triển công nghiệp hoá được triển khai về mặt chính sách và cơ sở hạ tầng quốc gia.
Thứ tư, lực lượng lao động ngày càng được nâng cao kỹ năng và trình độ học vấn trong cả khu vực kinh doanh công và tư nhân.
Thứ năm, có khả năng tiếp cận đáng kể với nhiều thị trường toàn cầu cho các sản phẩm Made in Vietnam.
Thứ sáu, định hướng lãnh đạo dựa vào năng lực và ít phụ thuộc vào một chế độ.
Hiện Việt Nam đã đáp ứng khá tốt hầu hết các tiêu chí, nhưng công nghiệp hóa vẫn là điểm cần cải thiện. Trong đó, việc phát triển cơ sở hạ tầng và chính sách thúc đẩy ngành công nghiệp là yếu tố quan trọng để nâng cao mức độ công nghiệp hóa; hay đổi mới sáng tạo, tức khả năng ứng dụng công nghệ và kỹ thuật số trong các lĩnh vực kinh tế cũng là một yếu tố quyết định.
Tuy nhiên, ông Sam Korsmoe cũng cảnh báo Việt Nam đối mặt với thách thức lớn trong việc tránh “bẫy thu nhập trung bình”. Để duy trì sự phát triển bền vững, cần đầu tư vào giáo dục, cải thiện cơ sở hạ tầng và thực hiện các cải cách chính sách.
“Việt Nam đang đứng trước ngã rẽ quan trọng. Nếu tận dụng tốt cơ hội, quốc gia này không chỉ là ngôi sao đang lên mà còn có thể trở thành ngôi sao dẫn đầu của châu Á” - ông Sam Korsmoe khẳng định.
Sau khi đối chiếu với Hàn Quốc và Đài Loan (Trung Quốc), ông Sam Korsmoe cho rằng, Việt Nam có 8 động lực tăng trưởng, với một số điểm mang tính đặc thù như: vai trò của phụ nữ trong nền kinh tế; sự phát triển của internet, chuyển đổi số; tài nguyên thiên nhiên và sự giàu có về nông nghiệp; tác động của cuộc chiến thương mại Trung - Mỹ; xu hướng "Trung Quốc +1" sẽ mang đến nhiều cơ hội...
Trong đó, vai trò của TP. HCM là đầu tàu của nền kinh tế sẽ đóng góp giúp Việt Nam trở thành nền kinh tế "con hổ". TP. HCM có thể trở thành địa điểm tổ chức các sự kiện mang tầm vóc quốc tế như các show diễn lớn, mời được các các nghệ sỹ quốc tế...
Huyền My (t/h)Năm 2024, dù tổng vốn đăng ký đầu tư nước ngoài giảm nhẹ 3%, Việt Nam vẫn đạt kỷ lục giải ngân 25,35 tỷ USD, tăng 9,4% so với năm trước.