Việt Nam có tiềm năng trở thành nền kinh tế số lớn thứ hai ASEAN vào năm 2030
Theo HSBC, xét về tổng giá trị giao dịch, Việt Nam có tiềm năng để trở thành thị trường công nghệ số lớn thứ 2 ASEAN vào năm 2030, chỉ đứng sau Indonesia. HSBC kỳ vọng sự tăng trưởng sẽ được thúc đẩy bởi hệ sinh thái thương mại điện tử đang phát triển.
Đây là nhận định do Bộ phận Nghiên cứu Toàn cầu HSBC vừa phát hành tại báo cáo “Vietnam at a glance - Khai mở tiềm năng công nghệ số”. Tuy nhiên, làm sao để tăng cường giáo dục về công nghệ số và thúc đẩy hạ tầng năng lượng là những thách thức cần vượt qua.
Theo HSBC, sự sôi động trong đầu tư liên quan đến công nghệ số đang diễn ra ở Đông Nam Á. Mới đây, Microsoft công bố nhiều khoản đầu tư tại Indonesia, Malaysia và Thái Lan; còn tại Việt Nam, Alibaba dự định xây một trung tâm dữ liệu nhằm đáp ứng nhu cầu gia tăng về công nghệ số.
Với sự quan tâm lớn dành cho nền kinh tế số đang lên của Việt Nam, cùng dân số hơn 100 triệu người với tỷ lệ trong độ tuổi lao động gần 70%, HSBC nhận thấy tiềm năng mạnh mẽ đối với tiêu dùng công nghệ số tại đất nước này.
Dẫn lại thông tin từ báo cáo về kinh tế điện tử của Đông Nam Á (e-Conomy SEA) năm 2023, HSBC cho biết, Việt Nam là nền kinh tế số phát triển nhanh nhất ở ASEAN với tốc độ tăng trưởng ấn tượng là 20%. Xét về tổng giá trị giao dịch (gross merchandise value - GMV), Việt Nam có tiềm năng để trở thành thị trường công nghệ số lớn thứ nhì khu vực vào năm 2030, chỉ đứng sau Indonesia và kỳ vọng sự tăng trưởng được thúc đẩy bởi hệ sinh thái thương mại điện tử phát triển, được hỗ trợ bởi tập khách tiêu dùng đang gia tăng.
“Không chỉ có thuận lợi về nhân khẩu học, sự gia tăng nhanh chóng số lượng người dùng internet của Việt Nam cũng giúp mở rộng thị trường công nghệ số. Hiện nay, Việt Nam có gần 80% dân số sử dụng internet nhờ tỷ lệ sở hữu điện thoại thông minh đã tăng hơn gấp đôi so với cách đây một thập kỷ. Tuy nhiên, dù số lượng người dùng internet tăng trưởng đáng kể, mức độ ứng dụng công nghệ số trong một số lĩnh vực lại chậm lại phía sau”, HSBC nhận định.
Theo dữ liệu năm 2021-2022 của World Bank, Việt Nam đi sau Singapore, Thái Lan và Malaysia về sử dụng các giải pháp thanh toán phi tiền mặt, mặc dù nỗ lực chuyển dịch sang thanh toán số đã tăng tốc từ đó tới nay.
Trong bối cảnh đó, chuyển đổi số có nhiều cơ hội để triển khai trong nhiều lĩnh vực. Chẳng hạn, thương mại vẫn còn là một ngành sử dụng giấy tờ tương đối nhiều. Điều này có thể làm tăng chi phí và chậm trễ, tạo ra tắc nghẽn trong dòng chảy thương mại. Mặc dù Cổng thông tin một cửa quốc gia ngày càng được sử dụng nhiều hơn, nhưng vẫn còn một số tồn tại như việc sử dụng chữ ký điện tử vẫn còn hạn chế, đồng nghĩa với một số thủ tục vẫn cần giải quyết bằng giấy tờ. Do đó, các biện pháp ứng dụng số hóa khác trong thương mại cho thấy dư địa để chuyển dịch sang hành chính không giấy tờ.
Mặc dù vậy, một phần khó khăn bắt nguồn từ tỷ lệ người dân hiểu biết về công nghệ còn thấp, làm chậm quá trình phổ biến công cụ số và hạn chế việc sử dụng hiệu quả các công cụ này. Xét về kỹ năng và nhân tài trong lĩnh vực số hóa, Việt Nam đang đứng sau các nước khác trong khu vực, dẫn tới hạn chế cơ hội tận dụng lợi thế của số hóa.
Điều đáng khích lệ là Chính phủ nhận thức rất rõ những thách thức này và đóng vai trò tích cực trong việc hỗ trợ chuyển đổi số của nền kinh tế. Theo Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030, Việt Nam hướng tới xây dựng 3 trụ cột gồm chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. Theo đó, Chính phủ đã đề ra một số mục tiêu tham vọng trong những năm gần đây, bao gồm tới năm 2030, giải quyết trực tuyến toàn bộ hồ sơ thủ tục hành chính.
HSBC cũng nhấn mạnh vai trò của việc đảm bảo nguồn năng lượng bổ sung để tiếp sức cho đà tăng trưởng này. Một yếu tố đóng góp chính là Nghị định 53/2022/NĐ-CP yêu cầu doanh nghiệp phải lưu trữ dữ liệu tại Việt Nam. Sự gia tăng khối lượng dữ liệu trong nước trong tương lai cho thấy sẽ có thêm nhiều trung tâm dữ liệu mọc lên. Đây có thể là một phần yếu tố trong quyết định xây dựng một trung tâm dữ liệu ở Việt Nam của Alibaba.
Huyền My (t/h)Theo khảo sát thực trạng doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại nước ngoài cho năm tài chính 2024, do Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) thực hiện, có đến 56,1% số doanh nghiệp được khảo sát trả lời sẽ “mở rộng” kinh doanh trong 1-2 năm tới.