Việt Nam đã chi 4,16 tỉ USD để nhập xăng dầu
Trong 6 tháng đầu năm nay, nhập khẩu xăng tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2022. 6 tháng vừa qua, Việt Nam đã chi 4,16 tỉ USD để nhập khẩu các mặt hàng xăng dầu.
Theo Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính), trong 6 tháng đầu năm nay, xăng dầu nằm trong nhóm các mặt hàng nhập khẩu chính, tăng so với cùng kỳ năm 2022.
Trong tháng 5 và tháng 6, lượng nhập khẩu xăng dầu các loại tăng lần lượt là 36,5% và 14,9%. Nhưng tính chung trong quý 2, nhập khẩu xăng dầu các loại của cả nước chỉ đạt 1,92 triệu tấn, giảm 13,9% so với quý 1.
Nửa đầu năm 2023, Việt Nam đã nhập khẩu tới 5,2 triệu tấn xăng dầu các loại, với trị giá 4,16 tỉ USD, tăng 8,8% về lượng nhưng giảm 16,7% về trị giá so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, lượng dầu diesel nhập về đạt 2,82 triệu tấn, giảm gần 1% và lượng xăng nhập về đạt 1,11 triệu tấn, tăng 25,8% so với cùng kỳ năm trước.
Xét theo thị trường, nhập khẩu xăng dầu các loại vào Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2023 chủ yếu từ Hàn Quốc đạt 2,07 triệu tấn, tăng 7,4%; Singapore đạt 1,36 triệu tấn, tăng 113%; Malaysia đạt 885 nghìn tấn, tăng 13,3%...
Tại phiên họp thường kỳ của Chính phủ vào đầu tháng 7, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết Bộ đã thường xuyên rà soát, điều chỉnh phân giao tổng nguồn xăng dầu tối thiểu theo từng quý, phù hợp với năng lực và khả năng đáp ứng của từng doanh nghiệp đầu mối nhằm bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong mọi tình huống.
Bộ cũng tăng cường theo dõi, đôn đốc các doanh nghiệp đầu mối thực hiện kế hoạch phân giao tổng nguồn xăng dầu tối thiểu theo đúng số lượng, tiến độ, đặc biệt trong thời gian nhà máy lọc dầu Nghi Sơn tạm dừng hoạt động trong 55 ngày để bảo dưỡng từ ngày 25/8/2023.
Bộ Công Thương sẽ phối hợp với UBND tỉnh, thành phố đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về kinh doanh xăng dầu tại các doanh nghiệp đầu mối, thương nhân phân phối và các cửa hàng bán lẻ xăng dầu, xử lý nghiêm các vi phạm;
Bộ chỉ đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) giám sát các nhà máy lọc dầu, chủ động chuẩn bị các phương án để bảo đảm hoạt động ổn định, cung cấp đủ nguồn hàng ra thị trường theo cam kết; đồng thời, chuẩn bị các phương án (cả về kỹ thuật, nhân lực, vật tư, nguyên liệu) để hoạt động hết (và vượt) công suất nhằm tăng thêm nguồn cung cho thị trường.
Chỉ đạo các doanh nghiệp đầu mối chủ động tính toán sản lượng xăng dầu thiếu hụt từ nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn trong giai đoạn bảo dưỡng để xây dựng kế hoạch tạo nguồn cung ứng xăng dầu cho hệ thống phân phối và thị trường, không được để xảy ra tình trạng gián đoạn, đứt gãy nguồn cung.
Ngoài ra, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Tài chính trong việc cập nhật, điều chỉnh kịp thời các chi phí kinh doanh xăng dầu, đồng thời điều hành giá xăng dầu trong nước phù hợp với diễn biến giá xăng dầu thế giới, sử dụng linh hoạt, hiệu quả công cụ Quỹ Bình ổn giá theo quy định của pháp luật, góp phần thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát và hỗ trợ phục hồi kinh tế.
Huyền My (t/h)Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tổng lượng tiền gửi của cả dân cư và doanh nghiệp, tổ chức kinh tế tại thời điểm tháng 8 vào ngân hàng thương mại đạt mức kỷ lục từ trước đến nay với hơn 13.763.230 tỷ đồng.