Việt Nam đã có 514 công trình xanh
Việt Nam đang đẩy mạnh chuyển đổi xanh trong ngành Xây dựng, với trọng tâm là phát triển công trình xanh và ứng dụng công nghệ tiết kiệm năng lượng. Những nỗ lực này được thể hiện rõ nét thông qua các chính sách hỗ trợ toàn diện và sự tham gia tích cực của các doanh nghiệp, góp phần kiến tạo một tương lai bền vững cho đất nước.
Theo thông tin từ Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC), tính đến hết quý III/2024, Việt Nam đã có 514 công trình đạt công trình xanh. Tổng diện tích sàn của các công trình đạt 12,241 triệu m2 sàn.
Trong đó, số lượng công trình đạt chứng nhận xanh EDGE có 232 công trình, tương đương gần 5,1 triệu m2 sàn; GREEN MARK có 51 công trình, tương đương hơn 1,9 triệu m2 sàn; LEED có 189 công trình, tương đương hơn 4,6 triệu m2 sàn…
Tính theo tỷ lệ phần trăm các loại hình công trình, công trình công nghiệp chiếm tỷ lệ lớn nhất với hơn 39,8%; công trình nhà ở chiếm tỷ lệ hơn 34%; công trình văn phòng 12,63%; cơ sở lưu trú 6,25%...
Tại Việt Nam, tính đến hết quý III/2024, có khoảng 20 tỉnh, thành phố tập trung nhiều diện tích sàn đạt chứng nhận xanh như: Thành phố Hồ Chí Minh hơn 3,2 triệu m2; Thành phố Hà Nội hơn 2 triệu m2; Bình Dương gần 1,4 triệu m2; thành phố Hải Phòng hơn 716 nghìn m2; Bắc Ninh hơn 705 nghìn m2; Hưng Yên hơn 435 nghìn m2; Đồng Nai hơn 328 nghìn m2; Hà Nam hơn 319 nghìn m2…
IFC cho biết, để tạo ra những công trình xanh, chi phí sẽ cao hơn từ 1-2% so với những dự án nhà ở thông thường.
Đáng chú ý, hiện nay Việt Nam chưa có bộ tiêu chuẩn để đánh giá, chứng nhận cụ thể bất động sản xanh, mà phải dựa vào các tiêu chuẩn được áp dụng đối với công trình xanh hoặc các tiêu chuẩn của quốc tế.
Tuy nhiên, Chính phủ đã bổ sung tiêu chí số 12 trong Nghị định 95/2024/NĐ-CP về công trình xanh, sử dụng năng lượng hiệu quả bao gồm các yếu tố như: hạn chế tiêu thụ năng lượng, tối ưu hóa việc sử dụng tài nguyên thiên nhiên, và giảm thiểu ảnh hưởng đến môi trường.
Các quy định này mang đến các ý nghĩa tích cực như: khuyến khích tiêu chuẩn xanh; tăng giá trị tài sản vì tạo động lực cho các nhà đầu tư tập trung vào phát triển các công trình xanh; tiết kiệm chi phí vận hành; tạo cơ hội cho doanh nghiệp cung cấp giải pháp và công nghệ xanh; nâng cao nhận thức cộng đồng; khả năng tiếp cận nguồn vốn dễ dàng hơn vì nhiều quỹ đầu tư hiện nay ưu tiên tài trợ cho các dự án bền vững.
Có thể thấy, tốc độ tăng trưởng của các công trình xanh Việt Nam rất đáng kể, vượt chỉ tiêu đặt ra tại Quyết định số 280/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019-2030.
Với các lợi thế về giảm tác động đến môi trường, thúc đẩy kinh tế xanh, tạo môi trường sống lành mạnh, thích ứng với biến đổi khí hậu.… công trình xanh ngày càng được chú trọng và trở thành chiến lược chung của quốc gia. Trong nỗ lực thúc đẩy công trình xanh Việt Nam phát triển luôn cần có sự đồng thuận của cả hệ thống từ Nhà nước, Chính phủ, cơ quan ban ngành, giới chuyên gia và đặc biệt là vai trò của các doanh nghiệp tiên phong.
Minh An (t/h)Thành phố thông minh là một trong những xu thế phát triển chủ đạo của các đô thị trên thế giới cũng như trong khu vực. Việt Nam là một trong những quốc gia đón đầu xu hướng này, và đang có nhiều chuyển biến tích cực cả về chính sách, môi trường đầu tư lẫn việc nghiên cứu, triển khai và ứng dụng thực tế tại các tỉnh, thành.