Việt Nam dẫn đầu ASEAN về tỷ lệ doanh nghiệp Nhật muốn mở rộng kinh doanh
Tỷ lệ doanh nghiệp Nhật Bản dự kiến mở rộng hoạt động kinh doanh tại Việt Nam trong 1-2 năm tới là 60%, tiếp tục cao nhất Đông Nam Á.
Ngày 13/2 tại Hà Nội, Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản tổ chức họp báo công bố kết quả khảo sát thực trạng doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại nước ngoài năm 2022.
Khảo sát được thực hiện thông qua bảng câu hỏi về tình hình hoạt động của các doanh nghiệp Nhật Bản đang đầu tư tại 20 quốc gia và vùng lãnh thổ châu Á, châu Đại Dương. Trong số 4.392 doanh nghiệp trả lời hợp lệ, có 603 doanh nghiệp Nhật Bản đang đầu tư tại Việt Nam (nhiều nhất ASEAN).
Nội dung khảo sát chủ yếu về triển vọng lợi nhuận kinh doanh, kế hoạch triển khai hoạt động kinh doanh trong thời gian tới, xem xét lại chuỗi cung ứng, các vấn đề về quản lý, thu mua linh phụ kiện, nguyên vật liệu (ngành chế tạo), tình hình xuất nhập khẩu, các nỗ lực hướng tới giảm thiểu khí thải carbon, vấn đề nhân quyền trong chuỗi cung ứng, tiền lương.
Năm 2021, Việt Nam cũng dẫn đầu ASEAN về tỷ lệ doanh nghiệp Nhật muốn mở rộng kinh doanh, chứng tỏ doanh nghiệp Nhật Bản rất coi trọng thị trường Việt Nam, ông Matsumoto Nobuyuki, Trưởng đại diện Jetro tại TPHCM, nhận định.
Tính trên tất cả thị trường châu Á - Thái Bình Dương mà Jetro khảo sát, tỷ lệ doanh nghiệp Nhật dự định mở rộng kinh doanh tại Việt Nam chỉ đứng sau Ấn Độ và Bangladesh. Khảo sát được tiến hành từ 22/8 - 21/9/2022.
Cụ thể, kết quả khảo sát cho thấy 59,5% doanh nghiệp dự báo có lãi trong hoạt động kinh doanh tại Việt Nam, tăng 5,2 điểm phần trăm so với năm trước. Tỷ lệ doanh nghiệp bị lỗ là 20,8%, giảm 7,8 điểm phần trăm.
Xét theo ngành nghề, tỷ lệ doanh nghiệp có lãi của ngành ngành chế tạo cao hơn so với tỷ lệ doanh nghiệp có lãi của ngành phi chế tạo. Về triển vọng lợi nhuận kinh doanh năm 2023, có 53,6% doanh nghiệp dự báo sẽ cải thiện hơn so năm trước, nhờ nền kinh tế phục hồi sau đại dịch; 6,9% dự báo triển vọng kinh doanh suy giảm, nguyên nhân vì gia tăng hàng loạt chi phí như logistics, chi phí thu mua nguyên vật liệu, phí nhân công…
Đáng lưu ý, 60% doanh nghiệp tham gia khảo sát cho biết sẽ mở rộng hoạt động kinh doanh tại Việt Nam trong 1-2 năm tới. Các doanh nghiệp Nhật Bản dự tính mở rộng kinh doanh từ kỳ vọng vào khả năng tăng doanh thu nhờ mở rộng thị trường, tăng xuất khẩu và tiềm năng tăng trưởng cao của nền kinh tế Việt Nam.
Cũng theo kết quả khảo sát, doanh nghiệp Nhật đánh giá tính hấp dẫn của môi trường kinh doanh Việt Nam là thị trường phát triển và tiềm năng trong tương lai. Tuy nhiên, các rủi ro chính khiến họ e dè là tính hiệu quả trong các thủ tục hành chính; hệ thống thuế, thủ tục thuế; thực trạng hoàn thiện hệ thống pháp luật; thủ tục visa, cấp phép lao động.
Trong khu vực, Trưởng đại diện Jetro tại TP HCM cho rằng thời gian tới, Việt Nam sẽ thường xuyên được đưa ra để so sánh với Indonesia về tính hấp dẫn trong môi trường kinh doanh. Tuy nhiên, quy mô nền kinh tế và dân số Indonesia lớn hơn.
Việt Nam cũng chưa tận dụng được thời cơ chuyển dịch chuỗi cung ứng từ Trung Quốc diễn ra thời gian qua. Đơn cử, tỷ lệ thu mua đầu vào tại chỗ ở Việt Nam là 37,3%. Trong đó, thu mua từ riêng doanh nghiệp Việt Nam chỉ là 15%, còn rất thấp so với Thái Lan (23%), Ấn Độ (36%).
Dù vậy, khó khăn trước mắt chưa ảnh hưởng lớn đến mức độ quan tâm của doanh nghiệp Nhật Bản vào Việt Nam. Ông Matsumoto Nobuyuki dự đoán quy mô dòng vốn đầu tư có thể giảm nhưng số dự án vẫn sẽ tiếp tục tăng. Văn phòng Jetro tại TP HCM thuộc top 3 bận rộn nhất trong khoảng 70 văn phòng của tổ chức trên thế giới.
Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, năm 2022, Nhật Bản đứng đứng thứ ba trên 108 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam về đầu tư trực tiếp nước ngoài, với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 4,78 tỷ USD, chiếm gần 17,3% tổng vốn đầu tư, tăng 22,7% so với cùng kỳ 2021.
Thương Huyền (t/h)Công ty CP Vận tải đường sắt cho biết tổ chức chạy tăng cường thêm nhiều chuyến tàu tuyến Bắc - Nam phục vụ người dân về quê, đón tết Nguyên đán 2025.