Việt Nam dẫn đầu Đông Nam Á về tăng trưởng kinh tế số

Tiếp thị số
12:42 PM 22/11/2023

Việt Nam tăng trưởng kinh tế số cao nhất Đông Nam Á (2022 - 2023) ở mức trên 20%. Quy mô kinh tế số dự kiến đạt 30 tỷ USD năm 2023, tăng lên con số 45 tỷ USD 2025.

Đó là những số liệu đã được đưa ra tại Diễn đàn Quốc gia Thương mại điện tử và Kinh tế số ngành Công Thương năm 2023 diễn ra vào ngày 21/11.

Theo ông Nguyễn Sinh Nhật Tân, Thứ trưởng Bộ Công Thương, tăng trưởng kinh tế toàn cầu đang trong giai đoạn giảm mạnh, đè nặng lên các hoạt động kinh tế. Thương mại toàn cầu suy giảm từ quý IV/2022, kéo theo chỉ tăng 2,7% trong năm 2022.

Tổ chức Thương mại Thế giới dự báo thương mại toàn cầu chỉ tăng 1,7% trong năm 2023. Nhiều ngành dịch vụ chiếm tỷ trọng cao trên GDP ghi nhận mức tăng trưởng âm, nền kinh tế Việt Nam đã đối mặt nhiều khó khăn, suy giảm đơn hàng, cạn kiệt nguồn vốn…

Việt Nam dẫn đầu Đông Nam Á về tăng trưởng kinh tế số- Ảnh 1.

Toàn cảnh Diễn đàn Quốc gia Thương mại điện tử và Kinh tế số ngành Công Thương năm 2023. Ảnh: moit.gov.vn

Trong bối cảnh đó, thương mại điện tử và kinh tế số Việt Nam là điểm sáng. Theo báo cáo của Google, Temasek và Bain & Company công bố mới đây, Việt Nam tiếp tục là nước có tốc độ tăng trưởng kinh tế số nhanh nhất khu vực Đông Nam Á trong 2 năm liên tiếp (2022 và 2023) và được dự báo sẽ tiếp tục giữ vị trí này trong năm 2025 (đồng hạng với Philippines).

Tổng giá trị hàng hoá (GMV) của Việt Nam dự kiến đạt tỷ lệ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) ở mức 20%, từ 30 tỷ USD vào năm 2023 lên gần 45 tỷ USD vào năm 2025. Đặc biệt, tăng trưởng GMV trong 2 năm tới của kinh tế số tại Việt Nam sẽ được dẫn dắt bởi lĩnh vực thương mại điện tử.

Theo ông Đặng Anh Dũng, Phó Tổng Giám đốc Lazada Việt Nam, Việt Nam tăng trưởng kinh tế cao nhất tại khu vực Đông Nam Á. Mua sắm trên thương mại điện tử trở thành thói quen của người dùng Việt. 57 triệu người Việt Nam tham gia mua sắm online trong năm 2022, trong đó tập trung ở Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng. 43% người dùng GenZ truy cập ứng dụng mua sắm hàng ngày. Số lượng ngành hàng trung bình một người mua sắm trên Lazada đã tăng từ 6 lên 7 (ngành hàng) giai đoạn 2021 - 2022.

Số liệu khảo sát thống kê của Bộ Công Thương cũng cho thấy, thương mại điện tử Việt Nam vẫn giữ tốc độ tăng trưởng 20% năm 2022. Những năm qua, thương mại điện tử Việt Nam luôn giữ được tốc độ tăng trưởng từ 16-30%, dự kiến đạt 20,5 tỷ USD trong năm nay.

Với đà tăng trưởng mạnh mẽ đó, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân kỳ vọng năm 2023 và các năm tiếp theo, thị trường thương mại điện tử và kinh tế số Việt Nam sẽ còn phát triển mạnh mẽ hơn nữa và tạo bước đà cho kinh tế phát triển. Đây cũng chính là thời điểm để nước ta xây dựng nên những mô hình và chiến lược mới. Từ đó giúp khôi phục lại doanh nghiệp và mở rộng thị trường sau khi tình trạng khó khăn qua đi.

Tại phiên toàn thể, các diễn giả chia sẻ những nội dung về định hướng chuyển đổi số của ngành công thương đến năm 2025; ứng dụng công nghệ 4.0 vào phát triển sản xuất thông minh; giải pháp chuyển đổi số doanh nghiệp ngành công thương; các công nghệ thúc đẩy chuyển đổi số ngành công thương; xu hướng thương mại điện tử bền vững. Bên cạnh đó, tại chương trình tọa đàm, các đại biểu cùng trao đổi, thảo luận về chủ đề chuyển đổi số ngành công thương xanh và bền vững.

Huyền My (t/h)
Ý kiến của bạn