Việt Nam dẫn đầu khu vực Đông Nam Á về tăng trưởng nhu cầu tiêu thụ vàng

Đầu tư và Tiếp thị
11:04 AM 02/02/2023

Theo báo cáo mới từ Hội đồng Vàng Thế giới (WGC), Việt Nam tiêu thụ tổng cộng 43 tấn vàng trong năm 2022, đồng thời là quốc gia dẫn đầu khu vực Đông Nam Á về tăng trưởng nhu cầu tiêu thụ kim loại quý này...

Theo báo cáo xu hướng nhu cầu vàng toàn cầu mới được Hội đồng Vàng Thế giới (WGC) công bố, nhu cầu tiêu dụng vàng của Việt Nam trong quý 4/2022 đạt gần 14 tấn, tăng gần 60% so với cùng kỳ năm trước. Việt Nam cũng là quốc gia dẫn đầu khu vực Đông Nam Á về tăng trưởng nhu cầu tiêu thụ vàng trong năm qua.

Việt Nam dẫn đầu khu vực Đông Nam Á về tăng trưởng nhu cầu tiêu thụ vàng - Ảnh 1.

Báo cáo của tổ chức có trụ sở ở London, Anh cho biết trong 3 tháng cuối năm, nhu cầu tiêu thụ vàng tại Việt Nam đạt 13,5 tấn, tăng 58% so với mức 8,5 tấn ghi nhận vào cùng kỳ năm 2021.

Sự tăng trưởng mạnh mẽ được ghi nhận ở cả vàng miếng và vàng trang sức. Trong đó, nhu cầu vàng miếng đạt 9 tấn trong quý 4, tăng 48% so với mức 6,1 tấn cùng kỳ năm trước. Nhu cầu vàng trang sức đạt 4,5 tấn, tăng hơn 80% so với mức 2,5 tấn cùng kỳ năm trước.

Cả năm 2022, Việt Nam tiêu thụ tổng cộng 43 tấn vàng, tăng 37% so với năm 2021.

Ông Andrew Naylor, Giám đốc điều hành khu vực châu Á - Thái Bình Dương (không bao gồm Trung Quốc) của Hội đồng Vàng thế giới, cho biết với kết quả này, Việt Nam dẫn đầu tăng trưởng nhu cầu vàng trong Đông Nam Á năm qua. Đồng thời, Việt Nam cũng dẫn đầu về nhu cầu trang sức trong năm 2022, với mức tăng 51% so với năm 2021, đạt 18 tấn - cao nhất trong 14 năm qua.

"Có rất nhiều yếu tố ảnh hưởng tới sự tăng trưởng mạnh mẽ này, bao gồm sự giảm nhẹ của giá vàng địa phương trong quý IV; mức thu nhập ở một số ngành nghề tăng trở lại như trước, và niềm tin được củng cố của người tiêu dùng về sự tăng trưởng của GDP", ông Andrew Naylor giải thích.

Kết quả kinh doanh của doanh nghiệp trong ngành cũng phản ánh xu hướng do WGC ghi nhận. Năm 2022, Công ty Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) có doanh thu thuần hơn 33.876 tỷ đồng và lãi ròng gần 1.807 tỷ đồng, tăng lần lượt 73% và 76% so với năm 2021, vượt 31% và 37% các chỉ tiêu kế hoạch đề ra năm 2022.

Riêng quý IV, doanh thu bán lẻ của PNJ tăng 24%, với lý do được nêu là nền kinh tế phục hồi mạnh và vĩ mô ổn định. Doanh thu vàng 24K quý trước của công ty cũng tăng 15% nhờ sự phục hồi của thị trường và thay đổi trong xu hướng đầu tư.

Trong ngày vía Thần Tài, thị trường vàng trong nước rất sôi động. Nhiều doanh nghiệp vàng ghi nhận doanh số bán hàng tăng vào dịp này.

Chốt phiên 1/2, giá vàng miếng 9999 tại SJC TP.HCM là 66,6 triệu đồng/lượng (mua vào) - 67,4 triệu đồng/lượng (bán ra). SJC Hà Nội niêm yết ở mức 66,6 triệu đồng/lượng (mua vào) và 67,42 triệu đồng/lượng (bán ra).

Doji Hà Nội niêm yết ở mức 66,4 triệu đồng/lượng (mua vào) và 67,3 triệu đồng/lượng (bán ra). Doji TP.HCM mua vàng SJC ở mức 66,4 triệu đồng/lượng, bán ra ở mức 67,3 triệu đồng/lượng.

Với mức giá ở thời điểm hiện tại, giá vàng thế giới quy đổi sang VND (đã tính thuế, phí gia công) chênh lệch giữa giá vàng SJC trong nước khoảng 11,86 triệu đồng/lượng.

Trên phạm vi toàn cầu, báo cáo của WGC cho thấy nhu cầu tiêu thụ vàng (không bao gồm thị trường OTC) trong năm 2022 tăng gần 18% so với năm 2021, đạt 4.741 tấn - mức cao nhất kể từ năm 2011 và được thúc đẩy nhiều bởi nhu cầu cao chưa từng thấy trong quý 4.

Tổng nguồn cung vàng trên toàn cầu năm 2022 duy trì được sự tăng trưởng, với mức tăng 2% so với năm 2021, đạt mức 4.755 tấn và vẫn cao hơn mức trước đại dịch. Trong đó, sản lượng khai mỏ vàng đạt mức 3.612 tấn - mức cao nhất trong 4 năm qua.

Huyền My (t/h)
Ý kiến của bạn