Việt Nam đang dần trở thành thị trường tiêu dùng tương lai
Việt Nam đang trên đà trở thành thị trường tiêu dùng tương lai, mở ra cơ hội to lớn cho cả nhà đầu tư trong nước lẫn nước ngoài.
Đó là nhận định của ông Ahmed Yeganeh, Giám đốc toàn quốc Khối Dịch vụ Ngân hàng Doanh nghiệp HSBC chia sẻ tại Diễn đàn thường niên lần thứ 16 Kịch bản Kinh tế Việt Nam 2024 - Vietnam Economic Scenarios.
Theo ông Ahmed Yeganeh, Việt Nam lại đang hưởng lợi nhờ một nền dân số trẻ và đang phát triển với với tốc độ đô thị hóa gia tăng và tầng lớp thu nhập trung lưu gia tăng nhanh chóng.
Điều này sản sinh ra một lực lượng lao động trẻ trung và am hiểu công nghệ cho phép Việt Nam hưởng lợi và đón nhận những cơ hội từ những nền tảng mới và cách làm việc/cách tương tác mới, và tiếp tục duy trì vị thế điểm đến FDI hấp dẫn.
Đến năm 2030, trong 10 thị trường tiêu dùng lớn nhất toàn cầu có tới 6 thị trường của châu Á là Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Nhật Bản, Bangladesh và Việt Nam. Điều đó dẫn đến sự tăng trưởng không ngừng của tầng lớp trung lưu ở Việt Nam và đây chính là một động lực của thịnh vượng và tăng trưởng kinh tế.
Theo báo cáo mới đây của J.P Morgan, từ năm 2022 đến năm 2040, Việt Nam được đánh giá là thị trường tiêu dùng tăng trưởng nhanh nhất Đông Nam Á với mức tăng trưởng hàng năm dự kiến là 7,7%. Với dân số gần 100 triệu người, trong đó một nửa dưới 32 tuổi, Việt Nam đã đạt mức tăng trưởng GDP bình quân đầu người ấn tượng 7,1% CAGR từ năm 2017, lên đến hơn 4.000 đô la Mỹ vào năm 2022 - mức cao nhất trong số các nước ASEAN/EM.
Chính phủ đề ra mục tiêu nâng mức GDP bình quân đầu người lên 7.500 đô la Mỹ vào năm 2030 và 10.000 đô la Mỹ vào năm 2035. Tốc độ tăng trưởng ấn tượng này được củng cố bởi quá trình đô thị hóa ngày càng nhanh, sự bùng nổ của tầng lớp người tiêu dùng với thu nhập ngày càng cao hơn, nhu cầu đa dạng hơn, vượt khỏi những nhu cầu cơ bản, hướng đến trải nghiệm về phong cách sống và tài chính.
Theo đó, với GDP bình quân đầu người và tốc độ đô thị hóa tương đương với Trung Quốc và Thái Lan trước năm 2010, Việt Nam đã và đang bước vào giai đoạn "thời điểm vàng" của tiêu dùng bán lẻ, tạo cơ hội cho các công ty thuộc ngành hàng này tăng trưởng trong nhiều năm tới.
Chính những đặc điểm nhân khẩu học là thế mạnh của Việt Nam. 100 triệu dân, trẻ, có tinh thần làm chủ và am hiểu công nghệ, tỷ lệ tham gia lực lượng lao động lên đến hơn 73% và tốc độ đô thị hóa ngày càng gia tăng ở mức 38%. Dân số trong độ tuổi lao động của Việt Nam tiếp tục tăng hàng năm ở mức 0,4% trong khi Trung Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Singapore đều đang suy giảm. Kết quả là tiêu dùng nội địa của Việt Nam sẽ trở thành một trong 10 thị trường lớn nhất thế giới, vượt qua các nước như Vương quốc Anh, Đức, Thái Lan và Thổ Nhĩ Kỳ vào năm 2030.
Một kết quả tích cực dễ thấy là thương mại điện tử đã tăng gấp đôi từ 8 tỷ USD vào năm 2018 lên hơn 16 tỷ USD trong năm 2022 và báo cáo Chỉ số Thương mại điện tử Việt Nam dự báo con số này sẽ tăng lên hơn 20 tỷ USD vào năm 2024. Việt Nam cũng sẽ chứng kiến thay đổi nhiều nhất về tỷ lệ người trưởng thành có tài sản trị giá trên 250.000 USD, vượt qua hầu hết các nền kinh tế ở châu Á. Việt Nam đang trên đà trở thành thị trường tiêu dùng tương lai, mở ra cơ hội to lớn cho cả nhà đầu tư trong nước lẫn nước ngoài.
Minh An (t/h)Công ty CP Vận tải đường sắt cho biết tổ chức chạy tăng cường thêm nhiều chuyến tàu tuyến Bắc - Nam phục vụ người dân về quê, đón tết Nguyên đán 2025.