Việt Nam đạt 3 giảm trong công tác phòng chống HIV/AIDS
15 năm qua, Việt Nam liên tục đạt 3 giảm: Giảm số người nhiễm HIV mới phát hiện, giảm số người nhiễm HIV chuyển sang giai đoạn AIDS và giảm số tử vong do AIDS. Đặc biệt trong 5 năm gần đây, phát hiện số ca nhiễm HIV mỗi năm giảm 2/3 (xuống còn 10.000 ca) và số tử vong giảm 80% (còn hơn 2.000 ca). Kết quả này giúp Việt Nam có tỷ lệ nhiễm HIV trong cộng đồng dân cư ước khoảng 0,23% trong năm 2020, đạt mục tiêu dưới 0,3% của Chiến lược quốc gia phòng, chống HIV/AIDS đến năm 2020 và tầm nhìn 2030.
Đó là những gì mà ông Đỗ Xuân Tuyên, Thứ trưởng Bộ Y tế vừa cho biết tại Hội thảo Định hướng công tác phòng, chống HIV/AIDS trong tình hình mới do Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Bộ Y tế tổ chức.
Có được kết quả đó, nhiều năm qua, Đảng, Nhà nước và cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương đã vào cuộc chủ động, quyết liệt và đạt được những thành tựu đáng ghi nhận trong công tác phòng, chống HIV/AIDS. Từ đó nhận thức, ý thức trách nhiệm của nhiều cấp uỷ, chính quyền, cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân đối với công tác phòng, chống HIV/AIDS đã có sự thay đổi tích cực, tạo sự chuyển biến rõ nét trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác này. Sự kỳ thị, phân biệt đối xử của cộng đồng đối với người nhiễm HIV/AIDS đã giảm rõ rệt.
Các cấp uỷ, chính quyền từ Trung ương tới địa phương đã xây dựng và hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật về phòng, chống HIV/AIDS đồng bộ và toàn diện, bảo đảm vừa hỗ trợ cho người nhiễm HIV, vừa quan tâm đầy đủ quyền lợi của người tham gia phòng, chống HIV/AIDS cũng như thực hiện cam kết của Việt Nam với cộng đồng quốc tế về phòng, chống HIV/AIDS. Công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống HIV/AIDS được triển khai đồng bộ, quyết liệt, bài bản với sự đổi mới về nội dung, sự sáng tạo, linh hoạt về hình thức và sự bao phủ, đa dạng các nhóm đối tượng đã góp phần tạo nhận thức đúng đắn về đại dịch HIV/AIDS, sự thay đổi tích cực về thái độ, hành vi của cán bộ, đảng viên, Nhân dân và cộng đồng trong phòng, chống HIV/AIDS.
Đội ngũ làm công tác phòng, chống HIV/AIDS từng bước được nâng cao về trách nhiệm xã hội và trình độ chuyên môn nghiệp vụ, hệ thống Chỉ đạo và tổ chức bộ máy phòng, chống HIV/AIDS từ Trung ương đến cơ sở được củng cố, kiện toàn, duy trì hoạt động thường xuyên. Sự phối hợp liên ngành trong triển khai các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS bước đầu chặt chẽ và hiệu quả.
Nhà nước, xã hội và cộng đồng quốc tế đã có sự đầu tư, hỗ trợ mạnh mẽ cho công tác phòng, chống HIV/AIDS trong suốt 15 năm qua. Các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS đã được triển khai quyết liệt, hiệu quả, gồm các hoạt động can thiệp dự phòng lây nhiễm HIV, chương trình tư vấn, xét nghiệm tự nguyện, điều trị ARV và điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con, giám sát phát hiện dịch HIV.
Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên hưởng ứng Mục tiêu 90-90-90 (90% người có HIV biết được tình trạng bệnh của mình, 90% người nhiễm HIV được điều trị ARV; 90% số người được điều trị ARV kiểm soát được tải lượng vi rút ở mức thấp) của Liên hợp quốc vào năm 2020.
Mặc dù HIV/AIDS sau nhiều nỗ lực của cả hệ thống chính trị và cộng đồng đã thuyên giảm, nhưng diễn biến còn phức tạp, gia tăng nhanh ở nhóm MSM (quan hệ tình dục đồng giới nam) và tiêm chích ma tuý (TCMT), chưa bảo đảm tính bền vững và còn tiềm ẩn những nguy cơ bùng phát. Do vậy, HIV/AIDS hiện vẫn còn là vấn đề sức khoẻ công cộng quan trọng, là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây gánh nặng bệnh tật ở Việt Nam. Vì vậy, thực hiện mục tiêu chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030, tiếp tục cần phải có những chủ trương và biện pháp can thiệp mạnh mẽ và hiệu quả hơn trong thời gian tới.
Hạ DuyênĐà Nẵng, Phú Quốc dẫn đầu top điểm đến được ưa chuộng dịp Tết Ất Tỵ 2025 với nhiều trải nghiệm đặc sắc thuyết phục du khách chọn “ăn tết” xa nhà hoặc tận hưởng năm mới theo cách riêng.