Việt Nam đầu tư ra nước ngoài hơn 150 triệu USD trong 7 tháng
Trong 7 tháng năm 2024, tổng vốn đầu tư của Việt Nam tại các thị trường nước ngoài đạt mức gần 150,7 triệu USD, giảm 53% so với cùng kỳ năm 2023.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa công bố báo cáo về tình hình đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài 7 tháng năm 2024.
Theo đó, các nhà đầu tư Việt Nam đã đầu tư ra nước ngoài 64 dự án mới và 15 lượt điều chỉnh vốn đầu tư. Tổng vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài đạt gần 150,7 triệu USD (bằng 47% so với cùng kỳ), giảm 53% so với cùng kỳ năm 2023.
Xét theo ngành nghề, vốn đầu tư ra nước ngoài của Việt Nam được phân bổ vào 12 ngành, đứng đầu là khai khoáng với số vốn đầu tư lên đến 58,6 triệu USD, chiếm 38,9%; tiếp theo là công nghiệp chế biến, chế tạo với 28,9 triệu USD, chiếm 19,2%; ngành bán buôn bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác đứng thứ ba đạt 24,7 triệu USD, chiếm 16,4%; tiếp đó là dịch vụ khác với 10,0 triệu USD; sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng và điều hòa không khí đạt 6,8 triệu USD, chiếm 4,5%.
7 tháng qua, Việt Nam đã đầu tư vào 23 quốc gia trên thế giới, trong đó Hà Lan nhận được đầu tư nhiều nhất với 54,6 triệu USD, chiếm tới 36,2% tổng vốn đầu tư; thị trường thứ hai là Lào với 36,7 triệu USD, chiếm 24,3%; Hoa Kỳ ở vị trí thứ ba với 18,7 triệu USD, chiếm 12,4%; ở những vị trí tiếp theo là Campuchia với 12,4 triệu USD và New Zealand với 5,9 triệu USD,...
Ở chiều ngược lại, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam tính đến ngày 20/7 (gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài) đạt hơn 18 tỷ USD, tăng 10,9% so với cùng kỳ năm trước
Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam ước đạt 12,55 tỷ USD, tăng 8,4% so với cùng kỳ năm trước. Đây là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất của 7 tháng trong 5 năm qua.
Minh An (t/h)Công ty CP Vận tải đường sắt cho biết tổ chức chạy tăng cường thêm nhiều chuyến tàu tuyến Bắc - Nam phục vụ người dân về quê, đón tết Nguyên đán 2025.