Việt Nam đi trước nhiều nước về sử dụng ví điện tử hoặc ứng dụng thanh toán
Hiện tại, hơn 85% người tiêu dùng Việt Nam sở hữu ít nhất 1 ví điện tử hoặc ứng dụng thanh toán, và hơn 42% người tiêu dùng sử dụng thanh toán không tiếp xúc bằng thiết bị di động.
Covid-19 khiến người tiêu dùng và các doanh nghiệp ở châu Á - Thái Bình Dương quen với nhiều hoạt động online, trong đó có thanh toán kỹ thuật số. Tại Việt Nam, có chuyên gia nhận xét rằng đại dịch đã tạo động lực thúc đẩy chuyển đổi số đạt kết quả mà thông thường phải mất 10 năm mới thực hiện được.
Theo khảo sát của Visa, với 129,5 triệu thuê bao di động và khoảng một nửa trong số đó sử dụng 3G và 4G, Việt Nam đặc biệt thích ứng tốt với việc sử dụng thanh toán không tiếp xúc bằng di động và đã đi trước nhiều nền kinh tế phát triển khi nói đến thanh toán di động.
Với người tiêu dùng được khảo sát trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, tính dễ sử dụng được cho là lý do hàng đầu khuyến khích họ sử dụng thanh toán không tiếp xúc bằng điện thoại (52%). Tiếp theo là phương thức này giúp người dùng tiết kiệm thời gian (51%) và giảm phụ thuộc vào tiền mặt (50%).
43% người tiêu dùng cho biết, tính bảo mật là yếu tố thúc đẩy họ sử dụng thanh toán không tiếp xúc bằng di động. Visa tin rằng các công ty trong lĩnh vực thanh toán cần hợp tác chặt chẽ để giúp người tiêu dùng hiểu rõ về các tính năng bảo mật. Rò rỉ thông tin cá nhân hoặc thông tin tài chính được coi là mối quan tâm hàng đầu trong việc sử dụng phương thức thanh toán không tiếp xúc bằng điện thoại.
Bà Đặng Tuyết Dung, Giám đốc Visa Việt Nam và Lào đánh giá: "Đối với các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, thanh toán không tiếp xúc bằng điện thoại là một cách an toàn và tiết kiệm".
Với 71% người dùng sử dụng ví điện tử hoặc các ứng dụng thanh toán ít nhất một lần một tuần, nhu cầu của người tiêu dùng đối với các phương thức thanh toán và công nghệ hiện đại đang tạo ra cơ hội mới cho doanh nghiệp, và tăng cường phương thức thanh toán không tiếp xúc bằng di động là một trong số các giải pháp sẽ thúc đẩy thị trường thanh toán kỹ thuật số của Việt Nam.
Bên cạnh đó, khảo sát của Visa cũng ghi nhận những địa điểm người tiêu dùng có khả năng cao trong sử dụng thanh toán không tiếp xúc bằng điện thoại. Theo đó, 59% người tiêu dùng ở châu Á – Thái Bình Dương cho biết cửa hàng tiện lợi đáp ứng được nhu cầu giao dịch nhanh chóng, dễ dàng.
Hơn một nửa người được khảo sát (56%) cho biết họ muốn có thể thanh toán ngay tại chỗ ngồi khi dùng bữa ở các nhà hàng. Các khu ẩm thực, quầy hàng đường phố và quán ăn là địa điểm phổ biến thứ ba với 52% người bình chọn.
Các khảo sát tương tự được thực hiện ở Việt Nam cho thấy, 79% người tiêu dùng thích thanh toán bằng thẻ và ứng dụng di động thay vì tiền mặt, trong khi 43% người người tiêu dùng cho biết họ đã đặt đồ ăn trực tuyến thường xuyên hơn khi đại dịch xảy ra.
Trước sự thay đổi trong hành vi thanh toán của người tiêu dùng Việt, thời gian qua các nhà bán lẻ trên cả nước đã nhanh chóng thích ứng. Chẳng hạn Saigon Co.op với hệ thống siêu thị Coopmart, đại siêu thị CoopXtra, cửa hàng tiện lợi Cheers đã liên kết với ví điện tử MoMo, thẻ thanh toán Visa… để đa dạng phương thức thanh toán cho khách hàng.
Hay nhà bán lẻ khác như Satra, Vinmart cũng không ngừng nỗ lực hoàn hiện các hình thức thanh toán điện tử như thanh toán thông qua thẻ (POS, ATM…); internet (thông qua tài khoản mở tại ngân hàng); ví điện tử; app trên điện thoại di động... Tất cả sự thay đổi này nhằm hướng tới phục vụ khách hàng tốt hơn, qua đó giữ chân khách hàng, tạo doanh thu cho doanh nghiệp.
Dương DươngCông ty CP Vận tải đường sắt cho biết tổ chức chạy tăng cường thêm nhiều chuyến tàu tuyến Bắc - Nam phục vụ người dân về quê, đón tết Nguyên đán 2025.