Việt Nam - "điểm đến đầy hứa hẹn” trong lĩnh vực sản xuất chip bán dẫn
Đó là nhận định của các doanh nghiệp Nhật Bản trong buổi gặp gỡ của các doanh nghiệp Nhật Bản với lãnh đạo cấp cao Việt Nam nhân chuyến công tác và dự Hội nghị cấp cao kỷ niệm 50 năm ASEAN - Nhật Bản của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Tokyo, Nhật Bản, sáng 16/12.
Tại buổi gặp gỡ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhắc lại mối quan hệ tốt đẹp giữa hai nước trong thời gian qua. Thủ tướng khẳng định, Việt Nam là nơi khu trú an toàn trong “cơn bão” hiện nay của thế giới nhờ sự ổn định chính trị, an ninh quốc phòng, đối ngoại, tạo môi trường hòa bình, hợp tác phát triển.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, đây là những điều kiện, yếu tố nền tảng thu hút doanh nghiệp yên tâm tới và làm ăn lâu dài với Việt Nam. Trong bối cảnh hiện nay, Việt Nam cũng đang thực hiện hiện đại hóa, công nghiệp hóa đất nước thông qua phát triển công nghệ mới, lĩnh vực mới như sản xuất chip, công nghệ bán dẫn.
Chuyển đổi số là tất yếu, thế giới phát triển, Việt Nam cũng không ngoại lệ để phát triển, tồn tại. Muốn vậy phải đi tắt đón đầu phát triển công nghệ, trong đó có công nghệ bán dẫn.
Người đứng đầu Chính phủ Việt Nam mong doanh nghiệp Nhật Bản - với nhiều kinh nghiệm về công nghệ - sẽ hỗ trợ Việt Nam phát triển công nghệ bán dẫn, trước tiên là hạ tầng công nghệ trong nền tảng chung với hạ tầng giao thông, y tế, giáo dục.
Ông cũng đề nghị các doanh nghiệp bán dẫn Nhật Bản đầu tư và chuyển giao công nghệ cho Việt Nam, cũng như hỗ trợ Việt Nam phát triển, đào tạo nhân lực chất lượng cao, xây dựng các nhà máy sản xuất sản phẩm chip...
Tại đây, CEO SBI Holdings Yoshitaka Kitao cho biết, tập đoàn này đang xây dựng các nhà máy sản xuất chip bán dẫn tại Nhật và tương lai xem xét mở rộng đầu tư ra nước ngoài, trong đó Việt Nam và Trung Đông được xem là những điểm đến hấp dẫn.
Ông Yoshitaka bày tỏ mong muốn hợp tác với các doanh nghiệp lớn của Việt Nam trong lĩnh vực công nghệ thông tin, như FPT, để xây dựng hệ sinh thái công nghệ sản xuất chip bán dẫn tại Việt Nam.
Tại Việt Nam, Tập đoàn Renesas Electronic đã đầu tư một cơ sở về nghiên cứu phát triển với 1.500 lao động người Việt, 60% trong số này là kỹ sư công nghệ phần mềm. Đại diện tập đoàn này cho hay, Việt Nam là ưu tiên hàng đầu trong chiến lược đầu tư ra nước ngoài của Renesas tới đây về nghiên cứu phát triển, sản xuất chất bán dẫn.
Và nhiều doanh nghiệp Nhật Bản khác cũng bày tỏ mong muốn được đầu tư vào Việt Nam trong phát triển lĩnh vực chất bán dẫn.
Ngoài Nhật Bản, hiện nhiều doanh nghiệp lĩnh vực này của Mỹ, Đài Loan cũng bày tỏ sự quan tâm, muốn đầu tư vào Việt Nam về công nghệ bán dẫn, chip. Nhiều doanh nghiệp Mỹ đã coi Việt Nam là cứ điểm, Thủ tướng mong muốn điều tương tự với các doanh nghiệp bán dẫn Nhật Bản, và tiến tới Việt Nam có thể nằm trong chuỗi cung ứng sản xuất chip bán dẫn của Nhật, bên cạnh Ấn Độ, Trung Quốc.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết hiện Chính phủ đang giao Bộ Kế hoạch & Đầu tư nghiên cứu và xây dựng chính sách, cơ chế ưu tiên phát triển công nghiệp điện tử và bán dẫn, đặc biệt là về thuế, đất đai và môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng. Các chính sách ưu đãi hiện có cũng sẽ tiếp tục được triển khai.
Bộ Giáo dục & Đào tạo cũng được giao nhiệm vụ xây dựng chính sách để phát triển nguồn nhân lực cao trong lĩnh vực bán dẫn, bằng cách chuyển đổi kỹ sư công nghệ thông tin hiện nay thành kỹ sư ngành công nghiệp bán dẫn.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đã bày tỏ mong muốn phát triển đột phá ngành sản xuất chip và tập hợp các doanh nghiệp hàng đầu lĩnh vực này rót vốn và đầu tư vào Việt Nam. Việt Nam đang trở thành điểm đến hứa hẹn trong ngành công nghệ bán dẫn và hy vọng thu hút sự quan tâm và đầu tư từ các doanh nghiệp hàng đầu trên thế giới.
Minh An (t/h)Theo Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu cà phê tính đến ngày 15/12 đã đạt 5,2 tỷ USD. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử ngành cà phê Việt Nam có kim ngạch xuất khẩu cà phê vượt mốc 5 tỷ USD.