Việt Nam - điểm đến hấp dẫn của dòng vốn đầu tư toàn cầu
Việt Nam vẫn được lựa chọn là cứ điểm sản xuất trong chuỗi sản xuất toàn cầu của nhiều doanh nghiệp nước ngoài...
Số liệu được Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) công bố cho biết, 7 tháng năm 2024, vốn đăng ký mới của nhà đầu tư nước ngoài chảy vào Việt Nam đạt hơn 18 tỷ USD, tăng 10,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, vốn đăng ký mới đạt 10,76 tỷ USD, tăng 35,6%; vốn tăng thêm đạt gần 4,97 tỷ USD, tăng 19,4%; chỉ riêng vốn đầu tư thông qua góp vốn, mua cổ phần đạt 2,27 tỷ USD, giảm 45,2% so với cùng kỳ năm trước.
Ngoại trừ vốn đầu tư thông qua góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư vẫn giảm thì cả vốn đăng ký mới và vốn tăng thêm đều tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, vốn giải ngân tháng 7/2024 tiếp tục duy trì đà tăng được thiết lập kể từ đầu năm, đưa tổng vốn giải ngân 7 tháng đạt 12,55 tỷ USD, tăng 8,4% so với cùng kỳ năm trước.
Trong bối cảnh vốn đầu tư toàn cầu suy giảm, nguồn vốn đầu tư nước ngoài được rót vào Việt Nam vẫn tiếp tục tăng, cho thấy Việt Nam vẫn là điểm đến đầu tư hấp dẫn với các nhà đầu tư quốc tế.
Minh chứng rõ nhất là nhiều dự án đầu tư quy mô lớn tiếp tục được nhiều nhà đầu tư nước ngoài đề xuất.
Mới đây, Tập đoàn Adani (Ấn Độ) đang đề xuất đầu tư vào cảng Liên Chiểu, Đà Nẵng với tổng vốn dự kiến đạt trên 2 tỷ USD. Tập đoàn cũng mong muốn triển khai hoạt động đầu tư năng lượng tại dự án Nhiệt điện Vĩnh Tân 3 với vốn đầu tư dự kiến 2,8 tỷ USD. Ngoài ra, Adani cũng đang có dự định hợp tác với các đối tác Việt Nam trong lĩnh vực hàng không như xây dựng sân bay Long Thành giai đoạn 2, sân bay Chu Lai… Theo đó, tổng vốn đầu tư mà Adani dự kiến rót vào Việt Nam lên gần 5 tỷ USD.
Ngoài ra, hai tập đoàn dược phẩm của Ấn Độ là BDR và SMS Pharmaceuticals cũng muốn rót vốn đầu tư xây dựng khu công nghiệp dược phẩm công nghệ cao tại Khu kinh tế Nghi Sơn. Sau khi hình thành, khu công nghiệp dược phẩm được kỳ vọng thu hút 4-5 tỷ USD trong 10-12 năm tới với mục tiêu sản xuất các sản phẩm hướng tới thị trường Mỹ và châu Âu.
Tập đoàn NIDEC (Nhật Bản) dự kiến tiếp tục mở rộng đầu tư trong lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ mới tại Việt Nam, sau khi đã đầu tư trên 1 tỷ USD vào Việt Nam, kể từ năm 2017 tới nay.
Với những "điểm sáng" nêu trên, Việt Nam tiếp tục được đánh giá là điểm đến hấp dẫn của dòng vốn đầu tư toàn cầu, với triển vọng năm 2024 có thể vượt kết quả năm 2023.
Nhiều tổ chức quốc tế cũng đánh giá cao triển vọng thu hút đầu tư nước ngoài và nhận định Việt Nam tiếp tục là điểm đến hấp dẫn trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài. Trong báo cáo vừa được công bố, Ngân hàng HSBC nhận định, triển vọng đầu tư nước ngoài dài hạn vẫn là “điểm sáng” của Việt Nam. HSBC ghi nhận diễn biến quan trọng là việc Bộ KH&ĐT đã trình Chính phủ đề xuất thành lập một quỹ hỗ trợ đầu tư từ nguồn thu tăng thêm khi thực hiện thuế tối thiểu toàn cầu trong năm nay.
Trong báo cáo công bố chỉ số Niềm tin kinh doanh (BCI) quý 2/2024 của Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham), để thu hút thêm vốn đầu tư nước ngoài, EuroCham tại Việt Nam chỉ ra 5 yếu tố để Việt Nam có thể cải thiện môi trường kinh doanh, bao gồm: Hợp lý hóa các quy trình hành chính và thủ tục; Tăng cường sự rõ ràng trong pháp luật để giảm bớt việc giải thích không chính xác; Phát triển cơ sở hạ tầng cốt lõi (đường, cảng, cầu...); Đơn giản hóa thủ tục cấp thị thực, giấy phép lao động cho chuyên gia nước ngoài; Bảo đảm ổn định chính trị và an ninh.
Minh An (t/h)Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, sáng 8/9, áp thấp nhiệt đới (suy yếu từ bão số 3) đã suy yếu thành một vùng áp thấp trên khu vực phía Tây Bắc Bộ.