Việt Nam đối mặt nguy cơ trở thành thị trường của ôtô nhập khẩu

Thị trường
09:31 AM 20/03/2023

Với việc xe nhập nguyên chiếc, chủ yếu từ Thái Lan, Indonesia, tăng gấp đôi giai đoạn trước 2018, Bộ Công Thương lo sản xuất trong nước gặp thách thức. Chính vì vậy, cần có nhiều chính sách giảm thuế phí để khuyến khích ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước.

Quy mô dân số gần 100 triệu người, Việt Nam được đánh giá là thị trường ôtô tiềm năng hàng đầu ASEAN. Song sức ép cạnh tranh từ xe nhập khẩu, đặc biệt từ các nước khu vực, khiến Bộ Công Thương lo ngại.

Năm ngoái số xe xuất xưởng tại Việt Nam đạt gần 440.000 chiếc, trong khi xe nhập khẩu là 176.590 xe. Nhưng lượng xe nhập từ ASEAN (chủ yếu là Thái Lan, Indonesia) tăng liên tục 5 năm qua, gấp đôi giai đoạn trước năm 2018. 

Việt Nam đối mặt nguy cơ trở thành thị trường của ôtô nhập khẩu - Ảnh 1.

Cần thay đổi chính sách để chặn nguy cơ Việt Nam trở thành thị trường tiêu thụ xe nguyên chiếc cho các hãng FDI. (Ảnh minh họa)

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy, lượng nhập khẩu từ hai nước này đạt 144.703 chiếc vào năm ngoái, chiếm hơn 83% xe nhập từ các nước của Việt Nam. Kim ngạch nhập khẩu đạt gần 2,5 tỷ USD, xấp xỉ 65% tổng kim ngạch xe nhập khẩu của Việt Nam từ các nước (3,83 tỷ USD).

Cùng đó, các hãng xe ngoại có nhà máy ở Việt Nam nhưng vẫn nhập xe nguyên chiếc 80-90% lượng xe bán ra. Mặt khác, thị trường ôtô trong nước cũng sẽ đối mặt cạnh tranh với các quốc gia thành viên của CPTPP và EVFTA trong 7-10 năm tới, khi thuế nhập khẩu dần về 0%. Tức là ngoài nhập xe nguyên chiếc, các doanh nghiệp FDI tăng nhập khẩu linh, phụ kiện, phụ tùng khi thuế về 0%.

"Đây là xu hướng không có lợi cho phát triển lâu dài của công nghiệp ôtô trong nước", theo Bộ Công Thương. Việt Nam có thể thành thị trường để các nước có công nghiệp ôtô phát triển hơn như Thái Lan, Indonesia khai thác. 

"Trong bối cảnh hội nhập, Chính phủ và các bộ ngành không kịp thời có những chính sách, giải pháp phù hợp để khuyến khích, hỗ trợ ngành sản xuất trong nước phát triển, Việt Nam sẽ trở thành thị trường tiêu thụ xe cho các hãng FDI, toàn bộ thị trường xe con là nhập khẩu", Bộ Công Thương lo ngại. 

Chưa kể, nhiều nguyên vật liệu trong sản xuất (thép chế tạo, nhựa, chất dẻo) vẫn phải nhập khẩu, làm giảm tính chủ động, cạnh tranh của sản phẩm. Và giá ôtô ở Việt Nam cao hơn Thái Lan, Indonesia, thậm chí Mỹ, Nhật chủ yếu vì thuế, phí. 

Năm nay kinh tế Việt Nam tiếp tục gặp khó khăn do các tác động tiêu cực từ toàn cầu. Hệ quả là một số ngành sản xuất, xuất khẩu trong nước sụt giảm khi lực cầu thế giới đi xuống. Áp lực lạm phát, các kênh đầu tư tài chính (chứng khoán, bất động sản) chưa khởi sắc trở lại đã ảnh hưởng tới tâm lý người tiêu dùng. Họ thắt chặt hơn trong chi tiêu các mặt hàng giá trị cao, gồm ôtô. 

Thực tế, doanh số bán xe trong nước đã "cài số lùi" từ tháng 10 năm ngoái và hiện chưa có dấu hiệu hồi phục, mặc các hãng tung ra nhiều chương trình kích cầu, khuyến mãi giá.

Để kích cầu trong ngắn hạn, các nhà sản xuất, lắp ráp xe và doanh nghiệp nhập khẩu mới đây đều kiến nghị giảm 50% phí trước bạ trong năm nay. Chính phủ giao Bộ Tài chính nghiên cứu phương án giảm phí phù hợp cho xe lắp ráp, sản xuất trong nước. 

Về dài hạn, họ mong muốn Chính phủ đưa ra các giải pháp toàn diện để kích cầu, tăng quy mô thị trường thông qua hạ thuế, phí, phát triển hạ tầng giao thông hoặc có chính sách hỗ trợ đặc biệt ngành sản xuất xe trong nước.

Thương Huyền (t/h)
Ý kiến của bạn