Việt Nam dự kiến vay thêm hơn 1,2 tỷ USD vốn ưu đãi nước ngoài

Tài chính - Đầu tư
08:34 AM 16/12/2023

Bộ Tài chính dự kiến từ nay đến cuối năm sẽ hoàn thành việc đàm phán, ký kết 12 hiệp định, thỏa thuận vay vốn ưu đãi nước ngoài, với tổng trị giá ký kết khoảng 1,255 tỷ USD.

Thông tin về công tác huy động vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài, tính đến giữa tháng 11/2023, Bộ Tài chính thay mặt Chính phủ đã thực hiện ký kết 6 hiệp định vay nước ngoài với Quỹ Quốc tế về phát triển nông nghiệp (IFAD), Hàn Quốc và Nhật Bản với tổng trị giá ký kết khoảng 531,79 triệu USD.

Việt Nam dự kiến vay thêm hơn 1,2 tỷ USD vốn ưu đãi nước ngoài - Ảnh 1.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Trong tháng 11, Bộ Tài chính cũng trình đề xuất đàm phán với một số các Tổ chức Tài chính như Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Tái thiết Đức (KFW), Cơ quan Phát triển Pháp (AFD), Ngân hàng Đầu tư Châu Âu (EIB)... cho các dự án về phát triển hạ tầng giao thông, năng lượng, môi trường...

Theo kế hoạch, Bộ Tài chính dự kiến từ nay đến cuối năm sẽ hoàn thành việc đàm phán, ký kết 12 hiệp định, thỏa thuận vay vốn ưu đãi nước ngoài, với tổng trị giá ký kết khoảng 1,255 tỷ USD.

Trước đó, tháng 7/2023, Chính phủ thực hiện ký kết 3 hiệp định vay Chính phủ Nhật Bản với tổng giá trị 434,45 triệu USD. Với ba khoản vay được ký kết này, Nhật Bản tiếp tục là nhà tài trợ song phương lớn nhất của Việt Nam với tổng số vốn cam kết đến nay lên tới hơn 2.567 tỷ Yên, tương đương khoảng hơn 23 tỷ USD.

Theo đó, khoản vay lớn nhất là thỏa thuận vay hỗ trợ ngân sách trị giá 50 tỷ Yên cho Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam hậu Covid-19. Đây là khoản vay thuộc chương trình ODA thế hệ mới được triển khai trên cơ sở cam kết của Thủ tướng Chính phủ hai nước Việt Nam và Nhật Bản với lãi suất ưu đãi nhất từ trước đến nay, theo cơ chế giải ngân nhanh, hòa đồng trực tiếp vào ngân sách nhà nước. Khoản vay này được triển khai với thủ tục nhanh chóng, kể từ khi Thủ tướng Chính phủ hai nước cam kết cho đến khi hoàn thành ký thỏa thuận vay chỉ trong vòng 1 năm.

Theo một báo cáo Bộ Tài chính, giai đoạn 2021 - 2023, các chỉ tiêu an toàn nợ từng năm đảm bảo trong các mức trần và ngưỡng an toàn được Quốc hội phê duyệt.

Cụ thể, ước đến cuối năm 2023, nợ công/GDP khoảng 39 - 40%; nợ Chính phủ/GDP khoảng 36 - 37%; nợ nước ngoài của quốc gia/GDP khoảng 37 - 38%, đều cách xa ngưỡng cảnh báo.

Dù vậy, nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ (không bao gồm nghĩa vụ trả nợ đối với các khoản cho vay lại)/tổng thu ngân sách nhà nước khoảng 20 - 21%, dù dưới 25% nhưng áp lực trả nợ đang tăng dần.

Dự kiến trong giai đoạn này, tổng mức vay của Chính phủ khoảng 1,317 triệu tỷ đồng (đạt 42,9% kế hoạch); trong đó, vay của ngân sách Trung ương khoảng 1,279 triệu tỷ đồng (đạt 44,1% kế hoạch). Nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ khoảng 906,7 nghìn tỷ đồng (đạt 53,3% kế hoạch).

Minh An (t/h)
Ý kiến của bạn
Hơn 56% doanh nghiệp Nhật Bản muốn mở rộng kinh doanh tại Việt Nam trong 1- 2 năm tới Hơn 56% doanh nghiệp Nhật Bản muốn mở rộng kinh doanh tại Việt Nam trong 1- 2 năm tới

Theo khảo sát thực trạng doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại nước ngoài cho năm tài chính 2024, do Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) thực hiện, có đến 56,1% số doanh nghiệp được khảo sát trả lời sẽ “mở rộng” kinh doanh trong 1-2 năm tới.