Việt Nam đứng thứ 5 châu Á - Thái Bình Dương về mức tăng dân số siêu giàu

Đầu tư và Tiếp thị
10:37 AM 14/03/2024

Thống kê của Knight Frank cho thấy, số lượng người siêu giàu tại Việt Nam đang tăng nhanh với tốc độ đứng thứ năm châu Á - Thái Bình Dương với khoảng 752 người vào năm 2023 và dự kiến có gần 1.000 người vào năm 2028.

Theo báo cáo Thịnh vượng của Knight Frank (Anh), số người siêu giàu ở Việt Nam trong năm 2023 tăng 2,4% so với năm trước đó, lên 752 người. Tốc độ gia tăng này khá cao trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Người siêu giàu là những cá nhân phải sở hữu khối tài sản từ 30 triệu USD trở lên (khoảng hơn 740 tỷ đồng tính theo tỷ giá 24.820 đồng/USD của Vietcombank công bố ngày 13/3).

Knight Frank xác định lượng người siêu giàu tại các quốc gia dựa trên "Mô hình định giá tài sản" (Wealth Sizing Model) do công ty xây dựng và phát triển trong nửa thập kỷ qua. Phương pháp này kết hợp kho tài nguyên dữ liệu do công ty thu thập và công nghệ học máy, được cấu trúc để tính đến các yếu tố chi phối như hoàn cảnh địa chính trị có thể ảnh hưởng đến các mối quan hệ kinh tế cơ bản.

Công ty lưu ý mô hình của họ là mô hình động nên số liệu trong báo cáo mới nhất có thể thay đổi và không đồng nhất với số liệu trong các ấn bản trước.

Việt Nam đứng thứ 5 châu Á - Thái Bình Dương về mức tăng dân số siêu giàu- Ảnh 1.

Ảnh: QUORA

Tại Đông Nam Á, tốc độ gia tăng người siêu giàu của Việt Nam cao hơn nhiều so với mức tăng 0,8% của Thái Lan, nhưng thấp hơn mức 4,3% của Malaysia và 4,2% của Indonesia, hay 4% của Singapore.

Tuy nhiên, theo Knight Frank, từ năm 2023 tới 2028, tốc độ gia tăng người siêu giàu tại Việt Nam nhanh hàng đầu thế giới, đứng thứ 5 tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương (với mức tăng 30%), chỉ xếp sau Ấn Độ (+50,1%), Trung Quốc (+47%), Thổ Nhĩ Kỳ (+42,9%), Malaysia (+34,6%).

Tốc độ gia tăng người siêu giàu của Việt Nam được dự báo cao hơn Hàn Quốc, Hong Kong (Trung Quốc), Singapore trong giai đoạn 2023-2028.

Cũng theo công ty tư vấn và kinh doanh bất động sản toàn cầu có trụ sở tại London, giới nhà giàu và siêu giàu châu Á vẫn dành sự quan tâm đặc biệt cho đầu tư xa xỉ. Việc nhập khẩu đồ xa xỉ tại Việt Nam được ghi nhận tăng rất cao, nhất là với xe sang, trang sức,... Giai đoạn 2018-2022, Việt Nam ghi nhận tốc độ tăng trưởng hàng năm về nhập khẩu đồ trang sức là 8%, xe hơi là 26%, rượu vang 6% và đồng hồ 8%, theo Chỉ số Đầu tư Xa xỉ của Knight Frank (Knight Frank Luxury Investment Index – KFLII).

Danh sách người siêu giàu Việt không được Knight Frank công bố. Nhưng trên sàn chứng khoán, có khoảng 180 doanh nhân và người liên quan có tài sản quy từ cổ phiếu có giá trị trên 30 triệu USD, trong đó có 6 tỷ phú USD.

Theo Forbes, trong danh sách tỷ phú USD thế giới, tính đến ngày 13/3, Việt Nam có 6 đại diện, với tổng giá trị tài sản đạt 14 tỷ USD.

Trong đó, ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch Tập đoàn Vingroup (VIC) đứng đầu danh sách, với khối tài sản 4,4 tỷ USD. Chủ tịch VietJet Air (VJC) Nguyễn Thị Phương Thảo ở vị trí số 2 với 2,8 tỷ USD. Chủ tịch Hòa Phát (HPG) Trần Đình Long đứng ở vị trí số 3 với 2,6 tỷ USD. Chủ tịch Techcombank (TCB) Hồ Hùng Anh, Chủ tịch Thaco Trần Bá Dương, Chủ tịch Masan (MSN) Nguyễn Đăng Quang lần lượt ở các vị trí tiếp theo với 1,8 tỷ USD, 1,2 tỷ USD và 1,2 tỷ USD.

So với bảng xếp hạng năm 2022, số lượng tỷ phú USD của Việt Nam giảm 1 người. Chủ tịch Novaland Bùi Thành Nhơn rớt khỏi danh sách khi cổ phiếu Novaland (NVL) giảm mạnh trong năm 2022 và 2023. Đầu năm 2022, ông Bùi Thành Nhơn có tài sản 2,9 tỷ USD.

Huyền My (t/h)
Ý kiến của bạn
Hơn 56% doanh nghiệp Nhật Bản muốn mở rộng kinh doanh tại Việt Nam trong 1- 2 năm tới Hơn 56% doanh nghiệp Nhật Bản muốn mở rộng kinh doanh tại Việt Nam trong 1- 2 năm tới

Theo khảo sát thực trạng doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại nước ngoài cho năm tài chính 2024, do Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) thực hiện, có đến 56,1% số doanh nghiệp được khảo sát trả lời sẽ “mở rộng” kinh doanh trong 1-2 năm tới.