Việt Nam đứng thứ 5 trong danh sách các nước tạo tín chỉ carbon

Đầu tư và Tiếp thị
07:16 AM 01/03/2024

Việt Nam hiện đứng thứ 5 trong các nước tạo tín chỉ carbon và đã thu được 1.200 tỷ đồng nhờ bán tín chỉ này.

Giá trị của thị trường carbon toàn cầu đã lên đến hàng trăm tỷ USD. Hiện nay, thị trường này đang được đánh giá là tăng trưởng rất nhanh theo yêu cầu cam kết của lộ trình net zero vào năm 2050. 

Càng tăng diện tích rừng và bảo vệ rừng thì càng làm tăng tín chỉ carbon. Ảnh: Tuổi Trẻ

Càng tăng diện tích rừng và bảo vệ rừng thì càng làm tăng tín chỉ carbon. Ảnh: Tuổi Trẻ

Các thị trường tự nguyện của tín chỉ carbon tại Việt Nam hiện nay cũng đang trong quá trình phát triển. Với đặc thù về mật độ rừng tương đối dày, tầm 14,7 triệu ha (tương đương độ phủ 42%), Việt Nam có thể thu về hàng trăm triệu USD hằng năm thông qua hệ thống giao dịch quốc tế (ETS).

Việt Nam hiện đứng thứ 5 trong các nước tạo tín chỉ carbon và đã thu được 1.200 tỷ đồng nhờ bán tín chỉ này. Đặc biệt, không chỉ có dư địa lớn từ rừng, ngành năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời, các dự án chuyển đổi năng lượng, thu gom và tái chế rác, nông nghiệp, lâm nghiệp… đều là những ngành có thể kiếm bộn tiền từ bán tín chỉ carbon. Theo lộ trình, đến năm 2025, Việt Nam sẽ thành lập sàn giao dịch carbon.

Theo đó, Bộ TN&MT sẽ trình Thủ tướng ban hành tổng hạn ngạch phát thải cho từng giai đoạn, qua đó sẽ phân bổ hạn ngạch phát thải carbon cho các doanh nghiệp thuộc diện phải kiểm kê phát thải khí nhà kính.

Ví dụ, các doanh nghiệp sản xuất xi măng, sắt thép, nhiệt điện muốn tăng sản lượng, sản xuất, vượt hạn ngạch phát thải được phân bổ thì phải mua lại hạn ngạch phát thải từ các doanh nghiệp phát thải ít, kiểm soát tốt lượng phát thải trong sản xuất, chưa sử dụng hết hạn ngạch phát thải được phân bổ.

Dự kiến sẽ áp trần phát thải carbon cho doanh nghiệp trong ba lĩnh vực nhiệt điện, xi măng, sắt thép trước, sau đó sẽ tiến hành với lĩnh vực khác. Còn về giao dịch tín chỉ carbon tại Việt Nam, từ giữa những năm 2000 một số doanh nghiệp đã bán tín chỉ carbon trên sàn quốc tế. Đến nay, Việt Nam có hơn 100 dự án đã được cấp tín chỉ carbon để giao dịch trên sàn quốc tế. Các doanh nghiệp, tổ chức trên cả nước đang có khoảng 41 triệu tín chỉ carbon.

Dù Việt Nam chưa ban hành quy định áp hạn ngạch phát thải khí nhà kính nhưng thời gian qua một số doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm có liên quan tới nhôm, sắt thép, hóa chất, hydrogen khi xuất khẩu sản phẩm vào EU vẫn phải tuân thủ quy định của cơ chế điều chỉnh biên giới carbon. Cơ chế này được EU áp dụng từ 1/10/2023 để ngăn chặn hàng hóa phát thải nhiều vào thị trường EU. Sáu nhóm hàng hóa bị EU áp cơ chế điều chỉnh biên giới carbon gồm: sắt thép, nhôm, xi măng, phân bón, điện, hydrogen.

Sau EU, Mỹ đang dự kiến áp cơ chế điều chỉnh biên giới carbon với bảy nhóm hàng hóa xuất khẩu vào Mỹ từ tháng 4/2024, gồm: dầu khí, khí đốt tự nhiên, phân bón, giấy, xi măng, thủy tinh, sắt thép. Việt Nam cũng sẽ áp dụng các biện pháp thúc đẩy doanh nghiệp chuyển đổi xanh, giảm phát thải khí nhà kính để đạt mục tiêu cam kết phát thải bằng 0.

Tín chỉ carbon là chứng nhận có thể giao dịch thương mại và thể hiện quyền phát thải một lượng khí CO₂ hoặc một lượng khí nhà kính khác quy đổi sang CO₂ tương đương.

Một tín chỉ tương đương với 1 tấn CO₂ hoặc 1 tấn CO₂ quy đổi tương đương. Trong khi đó, theo lộ trình, thị trường carbon trong nước sẽ thí điểm từ năm 2025, vận hành chính thức từ năm 2028.

An Mai (t/h)
Ý kiến của bạn
Đề xuất 4 lĩnh vực sẽ được ưu tiên vay vốn xanh Đề xuất 4 lĩnh vực sẽ được ưu tiên vay vốn xanh

Tại dự thảo Nghị định về cơ chế thử nghiệm phát triển kinh tế tuần hoàn, Bộ Kế hoạch & Đầu tư đề xuất 4 lĩnh vực được phép thử nghiệm, ưu tiên các dự án sử dụng nguyên liệu đầu vào trong nước.