Việt Nam đứng thứ 79/160 quốc gia về chỉ số kinh tế xanh
Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), cho biết, kinh tế xanh ở Việt Nam còn rất khiêm tốn với vị trí 79/160 quốc gia được xếp hạng về Chỉ số kinh tế xanh, theo báo cáo Global Green Economy Index cập nhật năm 2024.
Ngày 27/6, tại diễn đàn Nhà Quản lý - Nhà báo - Doanh nghiệp với Tài nguyên và Môi trường lần thứ VIII - năm 2024 với chủ đề "Kinh tế Xanh - Trách nhiệm của nhà sản xuất", do Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức ở Hà Nội, ông Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Chiến lược Chính sách Tài nguyên và Môi trường, dẫn báo cáo cho biết, Việt Nam hiện đứng ở vị trí 79/160 quốc gia được xếp hạng về Chỉ số kinh tế xanh. Xét về tăng trưởng xanh, Việt Nam đang đứng ở vị trí 73/245 quốc gia trên toàn cầu, và xếp thứ 16/50 ở khu vực châu Á.
Kết quả trên dựa vào nỗ lực tăng độ che phủ rừng từ gần 39% năm 2018 lên 42% năm 2020, thu hút 9 tỷ USD vào các lĩnh vực xanh. Tuy nhiên, hiệu quả kinh tế xanh vẫn chưa đạt yêu cầu khi năm 2020 mới tạo ra 6,7 tỷ USD, chiếm 2% GDP. Trong đó, 41% là từ ngành năng lượng, 28% từ hoạt động nông - lâm nghiệp, 14% từ hoạt động công nghiệp và 17% từ các ngành giao thông vận tải, thông tin liên lạc, xử lý rác thải và xây dựng. Lĩnh vực này mới tạo ra hơn 400.000 việc làm, chiếm 1,1% toàn quốc. Tỷ lệ này thấp so với các nước dẫn đầu như Pháp 3,3%; Trung Quốc 6,7%.
Thời gian qua, tốc độ tăng trưởng kinh tế xanh của Việt Nam giảm khoảng 10 - 12%/năm và hiện nay, quy mô ước đạt 4 - 4,5% trong nền kinh tế quốc dân; kinh tế nâu vẫn tới 95% quy mô nền kinh tế.
Trước đó, phát biểu khai mạc Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành nhìn nhận, thời gian gần đây, sự hiểu biết của cộng đồng doanh nghiệp về kinh doanh bền vững, giảm phát thải ra môi trường đã được nâng cao rõ rệt.
Nhiều doanh nghiệp đã và đang lấy kinh doanh xanh là chiến lược và là lợi thế cạnh tranh. Nhiều tập đoàn kinh tế và các doanh nghiệp lớn cũng đã nhanh chóng vào cuộc, đẩy mạnh chuyển đổi xanh phục vụ ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển kinh tế carbon thấp, hướng tới mục tiêu Net Zero.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường đánh giá sự thay đổi này chủ yếu diễn ra chủ yếu ở khối các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, trong khi đó số lượng doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm khá nhiều nhưng chưa quan tâm thích đáng và chưa có chuyển biến rõ nét.
"Chúng ta cần có quyết sách đủ mạnh để cụ thể hóa quan điểm đầu tư cho môi trường là đầu tư cho phát triển bền vững. Bộ sẽ đề xuất hệ thống quan điểm mới, tư duy mới đáp ứng bối cảnh tầm nhìn đến 2050", ông Thành nói và thêm rằng quan điểm xuyên suốt là Nhà nước đóng vai trò kiến tạo, dẫn dắt, doanh nghiệp và người dân là trung tâm và chủ thể thực hiện.
Ông Erick Contreras, đồng Chủ tịch Tiểu ban Tăng trưởng xanh EuroCham, cho rằng Việt Nam đã cam kết mạnh mẽ với mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Để thực hiện mục tiêu, Chính phủ cần gỡ bỏ rào cản đồng thời làm rõ các quy định nhằm tạo điều kiện hơn cho các doanh nghiệp đầu tư và triển khai dự án năng lượng tái tạo và kinh tế tuần hoàn.
Huyền My (t/h)Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tổng lượng tiền gửi của cả dân cư và doanh nghiệp, tổ chức kinh tế tại thời điểm tháng 8 vào ngân hàng thương mại đạt mức kỷ lục từ trước đến nay với hơn 13.763.230 tỷ đồng.