Việt Nam được WHO chọn để tiếp nhận công nghệ vaccine mRNA mới

Sự kiện
02:27 PM 24/02/2022

Việt Nam, cùng Bangladesh, Indonesia, Pakistan, Serbia sẽ nhận được hỗ trợ từ trung tâm chuyển giao công nghệ vaccine mRNA của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ở Nam Phi bởi đã chứng minh là có khả năng chuyển sang giai đoạn sản xuất tương đối nhanh chóng.

Trong thông báo ngày 23/2, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công bố đã chọn thêm các nước Bangladesh, Indonesia, Pakistan, Serbia, và Việt Nam để tiếp nhận chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine mRNA mới do tổ chức này và các nhà khoa học Nam Phi phát triển.

Tổ chức Y tế Thế giới đánh giá, tất cả các quốc gia trên có năng lực tiếp nhận công nghệ mới, có hoạt động đào tạo nhắm đến mục tiêu này và có thể bước tới giai đoạn sản xuất tương đối nhanh.

Việt Nam được WHO chọn để tiếp nhận công nghệ vaccine mRNA mới - Ảnh 1.

Vaccine COVID-19. Ảnh minh họa. Ảnh: AFP

Các nước được WHO lựa chọn để hỗ trợ phải qua được vòng tuyển chọn của một nhóm các chuyên gia, bằng cách chứng minh được khả năng sau khi tiếp nhận đào tạo công nghệ sẽ triển khai được việc sản xuất khá nhanh do đã có sẵn cơ sở hạ tầng và khả năng sản xuất.

Trước đó, ngày 18/2, tại Hội nghị thượng đỉnh EU-Liên minh Châu Phi, Tổng Giám đốc WHO đã thông báo 6 nước đầu tiên đều ở châu Phi gồm Ai Cập, Kenya, Nigeria, Senegal, Nam Phi và Tunisia được thiết lập dây chuyền sản xuất vaccine công nghệ mRNA từ trung tâm vaccine mRNA toàn cầu của WHO nhằm đảm bảo khu vực này có thể tự sản xuất vaccine ngừa COVID-19 cũng như các dịch bệnh khác.

Dự án phát triển vaccine công nghệ mRNA được khởi động từ giữa năm 2021 và đã cho ra mắt một mẫu vaccine COVID-19.

Dự kiến, sẽ mất một vài năm mới có thể sản xuất vaccine này trên quy mô lớn. Tuy nhiên, trong tương lai dự án không chỉ phục vụ riêng đại dịch COVID-19 mà được thực hiện để hướng tới ứng dụng quy mô lớn, có thể nhằm chống lại HIV và ung thư.

Ngoài ra, WHO cũng công bố thiết lập Trung tâm đào tạo sản xuất sinh phẩm toàn cầu tại Hàn Quốc tạo điều kiện để hỗ trợ các nước thu nhập thấp và trung bình khi muốn sản xuất vaccine, kháng thể đơn dòng, các thuốc điều trị ung thư và insulin.

Phát biểu tại sự kiện, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết: “Một trong những rào cản chủ yếu đối với chuyển giao công nghệ ở các nước có thu nhập thấp và trung bình là thiếu lực lượng lao động có tay nghề cao và hệ thống quản lý yếu kém”.

Theo ông Ghebreyesus, “xây dựng được những kỹ năng đó sẽ đảm bảo rằng các nước này có thể sản xuất các sản phẩm y tế mà họ cần với tiêu chuẩn chất lượng tốt để họ không còn phải chờ đợi ở cuối hàng.”

"Hôm nay, chúng tôi thông báo thêm 5 nước tham gia sẽ được nhận công nghệ để tự sản xuất vaccine mRNA là Bangladesh, Indonesia, Pakistan, Serbia và Việt Nam. Chúng tôi tin rằng các trung tâm chuyển giao công nghệ mRNA không chỉ tăng khả năng tiếp cận với vaccine phòng COVID-19, mà còn cả các bệnh khác bao gồm sốt rét, lao và ung thư", ông Ghebreyesus nhấn mạnh.

HM (T/h)
Ý kiến của bạn