Việt Nam gia hạn thuế chống bán phá giá thêm 5 năm với bột ngọt nhập khẩu
Việt Nam quyết định gia hạn biện pháp chống bán phá giá thêm 5 năm với bột ngọt nhập khẩu từ 2 thị trường Indonesia và Trung Quốc.
Bộ Công thương đã ban hành Quyết định số 1914/QĐ-BCT về kết quả rà soát cuối kỳ việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với một số sản phẩm bột ngọt có xuất xứ từ Indonesia và Trung Quốc.
Theo đó, mức thuế chống bán phá giá được gia hạn thêm 5 năm (từ 7/2025 đến 7/2030) với mức thuế chống bán phá giá được áp dụng từ 3.396.156 VND/tấn đến 6.385.289 VND/tấn.

Ảnh minh họa: Internet
Các sản phẩm bị áp thuế bao gồm các loại bột ngọt (mì chính) với tên gọi khác nhau như Monosodium Glutamate (MSG), Mononatri glutamat, Sodium glutamate, muối natri của acid glutamic…
Bột ngọt thường được sử dụng trong chế biến thực phẩm, nấu ăn, sử dụng làm nguyên liệu để sản xuất các sản phẩm gia vị khác như bột/hạt nêm, bột canh.
Việc rà soát được tiến hành từ tháng 7/2024 theo đúng quy định pháp luật phòng vệ thương mại của Việt Nam và phù hợp với Hiệp định chống bán phá giá của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
Cơ quan điều tra xác định rằng nếu biện pháp chống bán phá giá bị chấm dứt, nguy cơ hàng nhập khẩu từ Trung Quốc và Indonesia tiếp tục hoặc tái diễn hành vi bán phá giá là hoàn toàn có thể xảy ra, từ đó gây thiệt hại nghiêm trọng cho ngành sản xuất trong nước.
Để bảo vệ sản xuất nội địa, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan quản lý để giám sát, kiểm tra việc thực thi quyết định này nhằm đảm bảo môi trường cạnh tranh lành mạnh và tuân thủ pháp luật.
Trước đó, vào ngày 22/7/2020, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định 1933/QĐ-BCT, chính thức áp thuế chống bán phá giá đối với sản phẩm bột ngọt nhập khẩu từ hai quốc gia trên. Biện pháp này có hiệu lực trong 5 năm và mức thuế cao nhất cũng được giữ nguyên trong lần rà soát này.
Huyền My (t/h)
6 tháng đầu năm 2025, ngành hàng rau quả gặp khó khăn, giá trị xuất khẩu chỉ đạt hơn 3 tỷ USD, giảm 8,4% so với cùng kỳ năm 2024.