Việt Nam hội tụ điều kiện để "hút" đầu tư vào công nghiệp bán dẫn và AI

Tài chính - Đầu tư
08:30 AM 16/10/2024

Việt Nam đã hội tụ các điều kiện để sẵn sàng đón nhận, hợp tác với các doanh nghiệp, nhà đầu tư trên thế giới trong lĩnh vực công nghiệp bán dẫn và AI.

Tại Việt Nam, sau khi Chính phủ có nhiều hoạt động thúc đẩy đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp bán dẫn và AI, nhiều tập đoàn lớn đã bày tỏ sự quan tâm và các địa phương cũng sẵn sàng kế hoạch đón nhận. Việt Nam đã hình thành được một hệ sinh thái bán dẫn, trí tuệ nhân tạo có quy mô lớn trong khu vực với sự tham gia của Google, Meta, Qualcomm, Intel… và rất nhiều doanh nghiệp công nghệ cao trong ngành điện tử.

Việt Nam đang tích cực mở cửa chính sách, nỗ lực tạo điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư, doanh nghiệp nước ngoài tiến vào để tham gia phát triển ngành công nghiệp vi mạch. Ảnh: Vnecomy

Việt Nam đang tích cực mở cửa chính sách, nỗ lực tạo điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư, doanh nghiệp nước ngoài tiến vào để tham gia phát triển ngành công nghiệp vi mạch. Ảnh: Vnecomy

Cùng với đó, hệ thống chính sách, pháp luật về đầu tư để tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp công nghệ cao dần hoàn thiện.

Việt Nam có hệ thống chính trị ổn định và quyết tâm chính trị cao trong thúc đẩy đổi mới sáng tạo, các ngành công nghệ cao. Với lực lượng trẻ nhiệt huyết, có năng lực tiếp cận khoa học công nghệ và các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học (STEM) được đánh giá cao, rất thuận lợi để phát triển công nghiệp bán dẫn.

Đáng chú ý gần đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ban hành chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn đến năm 2030 và tầm nhìn 2050. Đây được xem là bước tiến lớn trong việc đưa Việt Nam trở thành một trong những trung tâm hàng đầu thế giới trong ngành hàng tỉ đô này.

Trong nỗ lực thu hút FDI để phát triển công nghiệp bán dẫn, Việt Nam còn có lợi thế về trữ lượng đất hiếm lớn trên thế giới. Đây được xem là "nguồn lực chiến lược" để đảm bảo cho tương lai khi công nghiệp bán dẫn phụ thuộc lớn vào tài nguyên này.

Đặc biệt, Việt Nam đã thành lập Ban chỉ đạo quốc gia về phát triển ngành công nghiệp bán dẫn do Thủ tướng Chính phủ trực tiếp làm Trưởng ban; đã thành lập Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) cùng với 3 khu công nghệ cao tại Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội và Đà Nẵng sẵn sàng đón nhận các nhà đầu tư ngành bán dẫn với cơ chế ưu đãi cao.

Chia sẻ tại Ngày hội Đổi mới sáng tạo 2024, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng khẳng định, Việt Nam đã hội tụ các điều kiện để sẵn sàng đón nhận, hợp tác với các doanh nghiệp, nhà đầu tư trên thế giới trong lĩnh vực công nghiệp bán dẫn và AI.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, Việt Nam chưa thực sự đáp ứng được nhu cầu nguồn nhân lực, hạ tầng sản xuất và cải thiện thủ tục hành chính.

Chuyên gia của Bộ phận cho thuê Công nghiệp Savills nhìn nhận, nhu cầu đầu tư đang kéo theo sự gia tăng tìm kiếm nhà xưởng, khu công nghiệp có cơ sở hạ tầng, dịch vụ của ngành bán dẫn tốt. Trong đó, quan trọng nhất là nguồn điện ở các khu công nghiệp phải ổn định.

Về vấn đề này, Hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam từng lưu ý, nếu địa phương không có nguồn điện đầy đủ và ổn định thì rất khó thu hút các nhà đầu tư bán dẫn. Bởi lẽ sản phẩm chip và chất bán dẫn có giá trị rất cao. Trong quá trình sản xuất, nếu mất điện đột ngột thì dây chuyền sản xuất sẽ phải làm lại hoàn toàn và mất nhiều thời gian, gây tổn thất lớn cho doanh nghiệp.

Mặt khác, Việt Nam dồi dào nguồn nhân công nhưng cần thời gian dài để đào tạo về chuyên môn.

Đất nước cũng thiếu công nghiệp hỗ trợ cho ngành bán dẫn, điện tử và cần thời gian và nguồn lực để xây dựng được một chuỗi cung ứng có khả năng cạnh tranh với các quốc gia khác trong khu vực. 

Thị trường bán dẫn toàn cầu được dự báo tăng trưởng hai con số trong những năm tới và đạt 1.000 tỉ đô vào năm 2030. Hiện tại, thị trường châu Á đang chứng kiến một cuộc đua thu hút FDI giữa các nước. Cánh cửa phát triển công nghiệp bán dẫn vẫn rộng mở với Việt Nam nếu giải quyết và tháo gỡ những lo ngại và vướng mắc trên của nhà đầu tư.


Minh An (t/h)
Ý kiến của bạn