Việt Nam là điểm đến đầu tư trực tiếp nước ngoài hấp dẫn

Đầu tư và Tiếp thị
04:17 PM 16/02/2023

Môi trường kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát chỉ ở mức một con số; tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh…, đã củng cố niềm tin của các nhà đầu tư vào môi trường thương mại và đầu tư, giúp Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài.

Ngày 16/2/2023, tại lễ ra mắt Sách trắng 2022/2023 "Các vấn đề thương mại đầu tư và khuyến nghị” của EuroCham với chủ đề: Nỗ lực hướng tới Kinh tế xanh và phát triển bền vững, thực thi toàn diện Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) và hoàn tất phê chuẩn Hiệp định bảo hộ đầu tư Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVIPA), ông Alain Cany - Chủ tịch EuroCham cho biết: Dựa trên những điểm chính trong Sách trắng, các cơ quan, doanh nghiệp có thể đặt ra các tham vọng phát triển bền vững tại Việt Nam.

Việt Nam là điểm đến đầu tư trực tiếp nước ngoài hấp dẫn - Ảnh 1.

Lễ ra mắt Sách Trắng ngày 16/2/2023 tạo diễn đàn đối thoại hiệu quả giữa cộng đồng doanh nghiệp châu Âu và các nhà hoạch định chính sách Việt Nam. (Ảnh: Thời báo ngân hàng)

Theo đó, Sách trắng đã tập trung vào nhiều vấn đề trọng tâm của kinh tế thương mại của Việt Nam như chăm sóc sức khỏe, kinh tế xanh và phát triển bền vững, thúc đẩy đổi mới và đầu tư.

Theo Sách trắng, Việt Nam là một trong ba quốc gia trong khu vực đạt mức tăng trưởng kinh tế tích cực vào năm 2021, ghi nhận mức tăng trưởng GDP 2,58% bất chấp tác động của COVID-19.

Đây là minh chứng cho sự quản lý nhanh nhạy và hiệu quả của Chính phủ đối với đại dịch vốn tiếp tục tác động xấu đến thương mại và đầu tư quốc tế.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam cùng với địa lý thuận lợi và dân số đông, trẻ và có trình độ, đã giúp Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài.

Khẳng định Việt Nam là điểm đến đầu tư trực tiếp nước ngoài hấp dẫn, Sách trắng cho rằng, môi trường kinh tế vĩ mô ổn định của Việt Nam, cùng với lạm phát vẫn ở mức một con số, tiếp tục củng cố niềm tin của nhà đầu tư vào môi trường thương mại và đầu tư của đất nước.

Kể từ khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) năm 2007, Việt Nam đã liên tục cải cách quy định pháp luật trong nước để phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế, từ đó trở thành một thị trường hấp dẫn hơn trong mắt doanh nghiệp nước ngoài và các nhà đầu tư quốc tế. Cụ thể, chi phí kinh doanh thấp, tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ, tầng lớp trung lưu tăng vọt và môi trường thuận lợi cho kinh doanh đã giúp Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn cho FDI.

Sách Trắng 2022/2023 của EuroCham được biên soạn nhằm đưa ra góc nhìn tổng quan về các vấn đề ảnh hưởng đến các doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam. Đối với mỗi chương, EuroCham đã yêu cầu 18 Tiểu ban Ngành nghề tập trung vào các vấn đề mà họ cho rằng Chính phủ Việt Nam nên giải quyết.

Sách Trắng cũng đánh giá ảnh hưởng của những vấn đề này đến Việt Nam, ví dụ thông qua tác động đến thương mại, tăng trưởng hoặc việc làm. Sau đó, mỗi chương đưa ra các khuyến nghị cụ thể để giúp cải thiện tình hình hoặc giải quyết thách thức đã xác định.

Huyền My (T/h)
Ý kiến của bạn
Việt Nam đã đầu tư sang Australia 94 dự án tổng vốn gần 600 triệu USD Việt Nam đã đầu tư sang Australia 94 dự án tổng vốn gần 600 triệu USD

Ngày 28/3, tại Hà Nội, được sự bảo trợ của Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài (VAFIE), Tạp chí Nhà đầu tư phối hợp với Hội đồng Doanh nghiệp Việt Nam tại Bắc Úc (NT-VBC) tổ chức Hội thảo "Hợp tác Đầu tư Việt Nam - Bắc Úc".