Việt Nam là điểm sáng trong thực hiện phát triển bền vững
Trên phạm vi toàn cầu, thứ hạng của Việt Nam về kết quả thực hiện phát triển bền vững (SDGs) liên tục tăng trong giai đoạn 2016 - 2024.
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và đầu tư tại Hội thảo tham vấn dự thảo Báo cáo đánh giá giữa kỳ thực hiện kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững diễn ra mới đây, Việt Nam được đánh giá là một điểm sáng trong thực hiện phát triển bền vững (SDGs).
Trên phạm vi toàn cầu, thứ hạng của Việt Nam về kết quả thực hiện SDGs liên tục tăng trong giai đoạn 2016 - 2024. Theo đó, Việt Nam từ xếp hạng 88/149 nước năm 2016 đã tăng lên vị trí 54/166 quốc gia được xếp hạng năm 2024. Về điểm số, năm 2024, chỉ số phát triển bền vững của Việt Nam đạt 73,32 điểm, cao hơn mức trung bình toàn cầu và đứng thứ 2 khu vực Đông Nam Á.
Việt Nam đạt được điểm số tốt nhất ở mục tiêu chấm dứt mọi hình thức nghèo ở mọi nơi. Đảm bảo nền giáo dục có chất lượng. Phát triển đô thị, nông thôn bền vững. Ứng phó kịp thời, hiệu quả với biến đổi khí hậu và thiên tai.
Báo cáo tại hội thảo cũng cho biết, Việt Nam đạt được điểm số tốt nhất ở SDG1 (chấm dứt mọi hình thức nghèo ở mọi nơi), SDG4 (đảm bảo nền giáo dục có chất lượng, công bằng, toàn diện), SDG11 (phát triển đô thị, nông thôn bền vững, có khả năng chống chịu), SDG12 (đảm bảo mô hình sản xuất và tiêu dùng bền vững) và SDG13 (ứng phó kịp thời, hiệu quả với biến đổi khí hậu và thiên tai).
Ba mục tiêu có điểm số thấp nhất là SDG15 (bảo vệ và phát triển rừng bền vững, bảo tồn đa dạng sinh học), SDG14 (bảo tồn và sử dụng bền vững đại dương, biển) và SDG9 (xây dựng cơ sở hạ tầng có khả năng chống chịu cao, thúc đẩy công nghiệp hóa bao trùm và bền vững).
Xét trong nhóm các quốc gia có mức thu nhập tương đương, Việt Nam có sự thể hiện tương đối ấn tượng. So sánh với các quốc gia trong cùng phân khúc, Việt Nam đứng thứ 3/88 quốc gia được xếp hạng trong nhóm các quốc gia có thu nhập trung bình thấp (sau Ukraina và Kyrgyzstan) và đứng thứ 12/88 quốc gia có thu nhập trung bình (cả thấp và cao).
Tuy vậy, vẫn còn nhiều thách thức trong phát triển bền vững tại Việt Nam. Có thể thấy, bối cảnh thế giới sau đại dịch Covid-19 có rất nhiều khó khăn ảnh hưởng đến khả năng thực hiện các SDGs trên phạm vi toàn cầu, khu vực và ở Việt Nam. Trong bối cảnh đó, tiến độ thực hiện các SDGs đều có xu hướng chậm lại đòi hỏi nỗ lực nhiều hơn nữa của các quốc gia trên thế giới.
Vụ Khoa học, giáo dục, tài nguyên và môi trường, Bộ Kế hoạch và đầu tư, cho biết: Cần thu hút sự tham gia mạnh mẽ của doanh nghiệp, các tổ chức xã hội và cộng đồng người dân trong việc huy động nguồn lực và trực tiếp thực hiện các SDGs. Việc thực hiện các SDGs đòi hỏi sự hợp tác và nỗ lực không ngừng từ tất cả các bên liên quan, bao gồm Chính phủ, các tổ chức quốc tế, khu vực tư nhân và cộng đồng dân cư. Bên cạnh đó, hệ thống báo cáo, giám sát và đánh giá thực hiện SDGs cũng cần tiếp tục hoàn thiện và đồng bộ.
Để đạt được mục tiêu SDGs đến năm 2030, các chuyên gia cho rằng Việt Nam cần xây dựng khuôn khổ thực hiện các mục tiêu SDGs đồng bộ, thống nhất và bám sát khung khổ SDGs toàn cầu. Lồng ghép các lĩnh vực trong tâm cho thực hiện SDGs trong giai đoạn 2026-2030. Điều chỉnh các mục tiêu, chỉ tiêu để phù hợp với chiến lược, chính sách được ban hành trong thời gian qua và khả thi để đạt được vào năm 2030.
Huyền My (t/h)Theo số liệu Tổng cục Thống kê công bố sáng 6/1/2025, kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2024 đạt 786,29 tỷ USD, Việt Nam xuất siêu 24,77 tỷ USD.