Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Hàn Quốc

Kinh doanh
08:52 AM 06/02/2024

Năm 2023, Việt Nam tiếp tục vượt qua Nhật Bản, trở thành đối tác thương mại lớn thứ 3 của Hàn Quốc, mặc dù kim ngạch xuất-nhập khẩu với nước này có sụt giảm so năm 2022.

Dữ liệu do Hiệp hội Thương mại quốc tế Hàn Quốc (KITA) công bố ngày 5/2 cho thấy năm 2023, Việt Nam tiếp tục là đối tác thương mại lớn thứ ba của Hàn Quốc năm thứ hai liên tiếp mặc dù xuất khẩu và nhập khẩu từ Việt Nam đều giảm.

KITA cho biết kim ngạch thương mại giữa Hàn Quốc và Việt Nam năm 2023 đạt 79,43 tỷ USD, trong đó xuất khẩu sang Việt Nam giảm 12,3% so với năm 2022 xuống còn 53,49 tỷ USD; nhập khẩu từ Việt Nam cũng giảm 2,9% xuống 25,94 tỷ USD. Theo đó, thặng dư thương mại của Hàn Quốc giảm 19,5% xuống 27,55 tỷ USD.

Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Hàn Quốc- Ảnh 1.

Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ ba của Hàn Quốc năm thứ hai liên tiếp. Ảnh: Internet

Dù xuất khẩu và nhập khẩu từ Việt Nam của Hàn Quốc đều giảm so với năm 2022, nhưng kim ngạch thương mại Hàn Quốc - Việt Nam vẫn cao hơn kim ngạch thương mại song phương giữa Hàn Quốc và Nhật Bản chỉ đạt 76,68 tỷ USD. Đối tác thương mại lớn nhất của Hàn Quốc năm 2023 là Trung Quốc, với kim ngạch song phương 267,66 tỷ USD. Vị trí thứ hai là Mỹ với 186,96 tỷ USD.

Sự sụt giảm của kim ngạch xuất nhập khẩu giữa 2 nước Việt Nam - Hàn Quốc trong năm 2023 được KITA nhận định là do xuất khẩu chip giảm. Các lô hàng bán dẫn của Hàn Quốc sang Việt Nam giảm 21,6% so với cùng kỳ xuống còn 12,73 tỷ USD. Trong khi đó, 4 mặt hàng xuất khẩu khác gồm bảng cảm biến, sản phẩm dầu mỏ, thiết bị liên lạc không dây và nhựa tổng hợp cũng giảm.

Hàn Quốc là nguồn cung của Việt Nam đối với các linh kiện, phụ kiện, máy móc thiết bị, nguyên vật liệu cho Việt Nam. Đây là nguyên liệu đầu vào cho các ngành sản xuất, đặc biệt là các ngành sản xuất phục vụ xuất khẩu. Trong năm vừa qua Việt Nam vẫn nhập siêu từ Hàn Quốc.

Trong khi đó, ở chiều ngược lại, các mặt hàng xuất khẩu từ Việt Nam sang Hàn Quốc chủ yếu là các mặt hàng mà các doanh nghiệp FDI Hàn Quốc sản xuất (điện thoại và linh kiện, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, máy móc thiết bị phụ tùng). Bên cạnh đó, là các mặt hàng dệt may, phương tiện vận tải, gỗ và các sản phẩm từ gỗ…

Thương mại của Hàn Quốc với Việt Nam đã tăng trưởng theo cấp số nhân kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1992, khi thương mại song phương chỉ đạt 500 triệu USD. Khối lượng thương mại song phương tiếp tục đà tăng trưởng khi Hàn Quốc và Việt Nam ký kết hiệp định thương mại tự do vào năm 2014. Trong năm 2014, Việt Nam trở thành đối tác thương mại lớn thứ 8 của Hàn Quốc và vươn lên vị trí thứ 4 một năm sau đó. Năm 2022, Việt Nam vượt Nhật Bản trở thành đối tác thương mại lớn thứ ba của Hàn Quốc.

Hiện giữa Việt Nam và Hàn Quốc đang có 3 hiệp định thương mại là: Hiệp định Thương mại Hàng hóa ASEAN-Hàn Quốc (AKFTA); Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam-Hàn Quốc (VKFTA) và Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP).

Trong năm 2024, hai nước đang kỳ vọng có thể tiếp tục tận dụng những thuận lợi từ các hiệp định, mối quan hệ song phương tốt đẹp để thúc đẩy các hoạt động thương mại tăng trưởng tích cực trở lại.

Huyền My (t/h)
Ý kiến của bạn
Kotler Awards Việt Nam 2024 vinh danh 27 ứng viên xuất sắc ở nhiều hạng mục Kotler Awards Việt Nam 2024 vinh danh 27 ứng viên xuất sắc ở nhiều hạng mục

Tối ngày 22/11, Giải thưởng quốc tế danh giá Kotler Awards 2024 đã diễn ra tại TP. HCM, tôn vinh 27 các Nhà tiếp thị kinh doanh, Chuyên gia Marketing, Nhà quản trị chiến lược và Doanh nghiệp xuất sắc với những thành tựu vượt trội, đóng góp cho sự phát triển bền vững và nâng tầm thương hiệu quốc gia Việt Nam.