Việt Nam là nguồn phát hành nợ xanh lớn thứ hai trong ASEAN
Việt Nam là thị trường phát hành nợ xanh lớn thứ hai trong ASEAN, đạt 1 tỷ USD, chỉ sau Singapore, trong đó phần lớn trái phiếu và khoản vay xanh trong năm 2021 đến từ ngành vận tải và năng lượng.
Tổ chức Climate Bonds Initiative và ngân hàng HSBC vừa công bố báo cáo ASEAN Sustainable Finance – State of the Market 2021 với nhiều số liệu cho thấy sự tăng trưởng mạnh mẽ của thị trường vốn nợ bền vững của ASEAN nói chung và Việt Nam nói riêng.
Cụ thể, khối lượng phát hành của thị trường vốn nợ bền vững của ASEAN đang tăng trưởng mạnh mẽ, lập kỷ lục trong năm 2021. Trong đó, mảng xanh, xã hội và bền vững (GSS) đạt 24 tỷ USD, tăng 76,5% so với mức 13,6 tỷ USD của năm 2020 và liên kết bền vững đạt 27,5 tỷ USD, tăng 220% so với mức 8,6 tỷ USD của năm 2020.
Riêng tại Việt Nam, tổng giá trị GSS đạt 1,5 tỷ USD trong năm 2021, gần 5 lần mức 0,3 tỷ USD trong năm 2020 và duy trì tăng trưởng ổn định xuyên suốt ba năm liền. Phần lớn trái phiếu và khoản vay xanh ở Việt Nam trong năm 2021 đến từ ngành vận tải và năng lượng. Việt Nam là nguồn phát hành nợ xanh lớn thứ hai trong ASEAN, đạt 1 tỷ USD, chỉ sau Singapore.
Hai giao dịch lớn nhất chiếm phần lớn tổng giá trị GSS của Việt Nam là 425 triệu USD trái phiếu bền vững có quyền chọn nhận cổ phiếu của Tập đoàn Vingroup của Vinpearl và khoản vay xanh 400 triệu USD của VinFast (giá trị tại thời điểm công bố giao dịch tháng 12 năm 2021).
Theo HSBC, thị trường trái phiếu của Việt Nam đã tăng trưởng lên trên 70 tỷ USD trong năm 2021. Hơn 80% lượng phát hành là trái phiếu chính phủ, còn các ngân hàng phát triển là nhóm phát hành lớn thứ hai.
Cuối năm 2020, Quốc hội đã thông qua Luật Bảo vệ môi trường 2020 với một số sửa đổi quan trọng; trong đó có bổ sung định nghĩa, yêu cầu chung đối với trái phiếu xanh và những ưu đãi được hưởng áp dụng với chủ thể phát hành. Việt Nam đang phát triển hệ thống phân loại được ban hành cùng với bộ luật, dự kiến được ban hành vào năm nay. Bên cạnh đó, tại hội nghị COP26, Việt Nam công bố cam kết đạt mục tiêu cân bằng phát thải vào năm 2050. Những điều này sẽ góp phần thúc đẩy mạnh mẽ hơn huy động vốn qua thị trường tài chính bền vững nhằm tăng tốc quá trình giảm phát thải carbon.
Năm 2021 cũng là thời điểm một số quốc gia ASEAN công bố cam kết giảm phát thải và đặt mục tiêu cân bằng phát thải mới. Cụ thể, Việt Nam công bố cam kết đạt mục tiêu cân bằng phát thải vào năm 2050 tại COP26. Cam kết tham vọng này sẽ góp phần thúc đẩy mạnh mẽ hơn huy động vốn qua thị trường tài chính bền vững nhằm tăng tốc quá trình giảm phát thải các-bon.
Theo lãnh đạo HSBC, mặc dù thị trường tài chính bền vững đang tăng trưởng tại Việt Nam và ASEAN, nhu cầu triển khai vốn tài trợ nhằm giảm thiểu và giúp các nước thích nghi với biến đổi khí hậu vẫn còn rất cao. Việc huy động tài chính sẽ hỗ trợ quá trình chuyển dịch sang nền kinh tế phát thải các-bon thấp vốn rất cần thiết để đạt được các mục tiêu theo Hiệp định Paris cũng như giảm thiểu những tác động nặng nề do biến đổi khí hậu gây ra cho khu vực ASEAN và trên toàn thế giới.
Theo báo cáo của Climate Bonds và HSBC, năm 2021, Singapore, Thái Lan, Malaysia và Việt Nam đều ghi nhận giá trị phát hành nợ GSS tăng lên so với năm 2020, còn Indonesia và Philippines lại giảm do lượng phát hành lớn trong năm 2020.
HM (T/h)Theo khảo sát thực trạng doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại nước ngoài cho năm tài chính 2024, do Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) thực hiện, có đến 56,1% số doanh nghiệp được khảo sát trả lời sẽ “mở rộng” kinh doanh trong 1-2 năm tới.