Việt Nam là nhà sản xuất đồ nội thất lớn thứ 6 thế giới
Theo đó, Việt Nam đạt được "tăng trưởng ấn tượng" về thứ hạng trong ngành sản xuất đồ nội thất toàn cầu, từ hạng 13 vào năm 2014 lên hạng 6 năm 2023, tính theo quy mô giá trị.
Thông tin được công bố bởi tổ chức nghiên cứu tư vấn về thị trường nội thất và ngành công nghiệp CSIL (Center for Industrial Studies) trụ sở tại Milan (Italy), tại "Diễn đàn Đồ gỗ và Nội thất" thuộc khuôn khổ Hawa Expo 2024 ở TP HCM.
Từ hạng 13 vào năm 2014 Việt Nam đã vươn lên hạng 6 năm ngoái trong chuỗi cung ứng nội thất toàn cầu, tính theo quy mô giá trị. Hiện top 5 nhà sản xuất đồ nội thất lớn nhất lần lượt là Trung Quốc, Mỹ, Italy, Đức và Ấn Độ. Trong đó, Trung Quốc và Mỹ đã giữ vững vị thế nhất và nhì suốt thập niên qua.
Tại diễn đàn, bà Giovana Castellina, Giám đốc nghiên cứu đa khách hàng về nội thất tại CSIL đánh giá ngành nội thất Việt Nam khá linh hoạt, tăng trưởng nhanh hơn các nước khác trong 10 năm qua. "Ban đầu nơi đây chủ yếu cung cấp đồ ngoài trời nhưng giờ đã phát triển mạnh nội thất. Ví dụ, 25% sản phẩm là đồ bọc nệm, chiếm đến 10% sản lượng đồ bọc nệm của châu Á - Thái Bình Dương", bà chỉ ra.
Theo CSIL, trung bình hàng năm, Việt Nam tăng trưởng 10% về sản xuất và 11% về xuất khẩu nội thất, đứng thứ hai châu Á. Xuất khẩu là động lực tăng trưởng, chiếm 93% tổng sản lượng sản xuất.
Tuy nhiên, bà Giovana Castellina cho rằng, việc tập trung quá nhiều vào một thị trường chính đang là điểm yếu của Việt Nam. Minh chứng là khi nhu cầu tiêu thụ của thị trường Mỹ giảm, giá trị xuất khẩu của Việt Nam cũng giảm theo rất nhiều. Do đó, doanh nghiệp Việt Nam cần cân đối lại, đa dạng hoá và nâng dần tỷ trọng xuất khẩu sang các thị trường tiềm năng khác để giảm thiểu rủi ro.
Ông Nguyễn Quốc Khanh, Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP Hồ Chí Minh (HAWA) cho biết, ngành chế biến gỗ và nội thất Việt Nam hiện đang là một trong những ngành hàng có giá trị xuất siêu lớn nhất cả nước. Ngay cả năm 2023, mặc dù khó khăn, kim ngạch xuất khẩu giảm nhưng ngành gỗ vẫn mang lại giá trị xuất siêu hơn 10 tỷ USD. Việt Nam cũng có lợi thế về nguồn lao động lành nghề trong lĩnh vực chế biến gỗ, nội thất, đồ mỹ nghệ với trên 300.000 lao động. Với việc mở rộng diện tích rừng trồng và thúc đẩy sử dụng các nguồn cung gỗ hợp pháp, Việt Nam đang sở hữu chuỗi cung ứng hoàn chỉnh và doanh nghiệp hoàn toàn làm chủ chuỗi cung ứng này.
Theo ông Nguyễn Quốc Khanh, những khó khăn mà ngành gỗ đã và đang trải qua như nhu cầu thị trường giảm, xung đột giữa các quốc gia và căng thẳng ở Biển Đỏ khiến giá vận chuyển tăng cao vẫn đang tiếp diễn nhưng sẽ chỉ mang tính giai đoạn. Nhu cầu tiêu dùng các sản phẩm đồ gỗ và nội thất trong dài hạn vẫn tăng lên, Việt Nam dù nằm trong top các quốc gia sản xuất, xuất khẩu đồ gỗ lớn của thế giới nhưng vẫn chiếm thị phần rất nhỏ. Để mở ra dư địa phát triển, các doanh nghiệp ngành gỗ Việt Nam cần phải có giải pháp để từng bước tăng thị phần ở các thị trường quan trọng, không ngừng khai thác các thị trường mới, nhiều tiềm năng.
Các chuyên gia cho rằng, để đi đường dài, bên cạnh việc đáp ứng các quy định, tiêu chuẩn về xuất xứ, môi trường ngành gỗ và nội thất Việt Nam phải chú trọng vào đầu tư cho thiết kế, sáng tạo, nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm. Đáng mừng là thời gian qua nhiều doanh nghiệp đã nhanh chóng nghiên cứu xu hướng thị trường và chuyển đổi từ gia công xuất khẩu sang thiết kế các mẫu mã mới, đẹp mắt và có chất lượng tốt, được nhiều khách mua hàng quốc tế đánh giá cao.
Huyền My (t/h)Bộ Giao thông vận tải ban hành Thông tư số 33/2024/TT-BGTVT quy định về quản lý giá dịch vụ sử dụng phà được đầu tư từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước, do trung ương quản lý.