Việt Nam là nước xuất khẩu tôm lớn thứ hai thế giới

Xuất nhập khẩu
07:47 AM 23/07/2023

Hiện nay tôm Việt Nam đã được xuất khẩu đến khoảng 100 quốc gia với 5 thị trường lớn gồm châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc. Hàng năm, ngành tôm đóng góp khoảng 40 - 45% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản, tương đương 3,5 - 4 tỷ USD.

Chiều 21/7, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Diễn đàn “Kết nối sản xuất, chế biến, xuất khẩu tôm nước lợ Việt Nam”. Diễn đàn được tổ chức kết hợp hình thức trực tiếp và trực tuyến đến các tỉnh, thành phố; các đơn vị liên quan.

Theo Cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), trong suốt 2 thập kỷ qua, ngành tôm đóng vai trò quan trọng trong xuất khẩu thủy sản Việt Nam.

Việt Nam là nước xuất khẩu tôm lớn thứ hai thế giới - Ảnh 1.

Việt Nam là nước xuất khẩu tôm lớn thứ hai thế giới. Ảnh: Internet

Hiện, tôm Việt Nam xuất khẩu đến khoảng 100 quốc gia và vùng lãnh thổ, với 5 thị trường chính là châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc.

Việt Nam đã trở thành nước cung cấp tôm đứng thứ hai thế giới với giá trị xuất khẩu chiếm 13-14% tổng giá trị xuất khẩu tôm của toàn thế giới. Trung bình hằng năm ngành tôm đóng góp khoảng 40-45% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản, tương đương 3,5-4 tỷ USD. 

Kim ngạch xuất khẩu tôm của nước ta trong năm 2022 cũng lập kỷ lục 4,3 tỷ USD, tăng 11,2% so với năm 2021. Đặc biệt, ngành tôm giải quyết hơn 3 triệu lao động. Tổng diện tích nuôi tôm giai đoạn 2018-2022, trung bình mỗi năm của Việt Nam thả nuôi khoảng 714.000 ha. Tổng sản lượng tôm trung bình hằng năm từ 745.000 đến 930.000 tấn, trong đó sản lượng tôm sú 265.000 - 297.900 tấn/năm, tôm thẻ chân trắng từ 464.900 - 633.000 tấn/năm...

Tại diễn đàn, các đại biểu cho rằng, Việt Nam có tiềm năng rất lớn về diện tích, khí hậu thuận lợi và nguồn nước dồi dào cho phát triển nuôi tôm nước lợ. Ngành tôm được ứng dụng khoa học-công nghệ mới gồm kỹ thuật sản xuất giống, nuôi thương phẩm và bảo quản chế biến với nhiều mô hình ứng dụng khoa học-công nghệ ở nhiều mức độ khác nhau...

Tuy nhiên, nuôi tôm nước lợ hiện nay đang gặp một số khó khăn nhất định. Đáng chú ý là hạ tầng vùng nuôi hạn chế, quy mô nông hộ nhỏ lẻ khiến hạ tầng nguồn nước cấp, thoát nước chưa đồng bộ, gây khó khăn trong công tác sản xuất và nguy cơ ô nhiễm và dịch bệnh. Chi phí sản xuất tôm còn cao so với các nước nằm trong nhóm cạnh tranh trên cùng phân khúc thị trường.

Biến đổi khí hậu, nước biển dâng gây nguy cơ mất diện tích nuôi tôm ven biển, cũng như làm thay đổi đột ngột của nhiệt độ, lượng mưa, độ mặn ảnh hưởng đến sinh trưởng và phát triển tôm nuôi, góp phần gây ra dịch bệnh cho tôm nuôi.

Trao đổi về định hướng phát triển ngành tôm nước lợ thời gian tới, ông Ngô Thế Anh, Trưởng phòng Nuôi trồng thủy sản (Cục Thủy sản, Bộ NN-PTNT) chia sẻ, sẽ tập trung áp dụng kỹ thuật mới, tiên tiến vào sản xuất, đa dạng các phương thức nuôi theo điều kiện từng vùng và thích ứng với tác động của biến đổi khí hậu.

Đối với các tỉnh ven biển từ Quảng Ninh đến Thừa Thiên Huế, ưu tiên phát triển các hình thức nuôi có kiểm soát nhiệt độ trong mùa đông, nuôi thâm canh, siêu thâm canh trong nhà lưới, bể xi măng, ao lót bạt.

Đối với các tỉnh ven biển Tây Nam bộ, ưu tiên phát triển nuôi tôm sú sinh thái ở rừng ngập mặn, nuôi hữu cơ, nuôi tôm - lúa. Áp dụng khoa học công nghệ để nâng cao năng suất tôm nuôi tại các vùng nuôi quảng canh.

Trong 6 tháng cuối năm 2023, ngành tôm tập trung tiếp tục duy trì diện tích nuôi, thả bổ sung diện tích đã thu hoạch theo kế hoạch. Cụ thể, sản lượng 6 tháng cuối năm 2023 đặt mục tiêu đạt 563.000 tấn.

Huyền My (t/h)
Ý kiến của bạn
4 tháng, lượng ô tô nhập khẩu giảm 17,6% về lượng và 24,2% về giá trị 4 tháng, lượng ô tô nhập khẩu giảm 17,6% về lượng và 24,2% về giá trị

Tổng cộng lượng ô tô nhập khẩu nguyên chiếc trong 4 tháng đầu năm 2024 ước đạt 44.772 chiếc với giá trị 919 triệu USD. So với cùng kỳ năm 2023, con số này đã giảm 17,6% về lượng và 24,2% về giá trị.