Việt Nam là thị trường nhượng quyền hấp dẫn tại khu vực Đông Nam Á
Với nhiều lĩnh vực tiềm năng như: thực phẩm và đồ uống, giáo dục, y tế và dinh dưỡng, dịch vụ kinh doanh, khách sạn... Việt Nam được Hiệp hội Nhượng quyền Thương mại quốc tế (IFA) đánh giá là thị trường nhượng quyền hấp dẫn dại khu vực Đông Nam Á.
Theo khảo sát của IFA, có 74% doanh nghiệp nhượng quyền thương mại (NQTM) tại Hoa Kỳ phải đóng cửa do COVID-19. Còn tại Việt Nam, trước COVID-19 đã có các thương hiệu nhượng quyền lâu năm và rất thành công như: Trung Nguyen Coffee, Pho 24, T&T, Cafe Bobby Brewers, Kinh Do Bakery, Wrap and Roll, Café Cong, AQ Silk, Shop and Go, Highland’s Coffee…
Vì thế, mô hình nhượng quyền thương hiệu đang được kỳ vọng sẽ là ngành đầy tiềm năng hậu COVID-19 trong năm 2021 với khả năng phục hồi nhanh và tăng trưởng trở lại ở Việt Nam trong năm nay, cùng những mô hình ứng dụng công nghệ và có khả năng thu hồi vốn nhanh.
Các chuyên gia của IFA nhận định, trong năm 2021 hoạt động nhượng quyền ở Việt Nam có thể phát triển mạnh mẽ ở mô hình kinh doanh ứng dụng công nghệ như O2O (từ trực tuyến - Online, đến ngoại tuyến - Offline). Đây cũng là giải pháp tối ưu được nhiều doanh nghiệp lựa chọn để cải thiện doanh thu giữa thời COVID-19 bằng cách tận dụng nền tảng mua bán truyền thống kết hợp với dịch vụ mua bán trực tuyến. Và nhượng quyền thương hiệu sẽ không phải là một mô hình kinh doanh ngắn hạn, nó là một cuộc đầu tư lâu dài và sẽ là xu hướng kinh doanh của Việt Nam.
Theo Bộ Công Thương, tính đến ngày 12/6/2020, Việt Nam đã cấp phép cho 262 doanh nghiệp (DN) nước ngoài nhượng quyền tại Việt Nam, trong đó có thể kể đến các thương hiệu lớn của nước ngoài như: McDonalds, Baskin Robbins (Hoa Kỳ), Pizza Hut, Burger King (Singapore), Lotteria, BBQ Chicken (Hàn Quốc), Swensens (Malaysia), Karren Millen, Coast London (Anh), Bvlgari, Moschino, Rossi (Italia)… Lĩnh vực nhận NQTM từ các thương hiệu nước ngoài nhiều nhất ở Việt Nam là chuỗi thức ăn nhanh, nhà hàng; cửa hàng bán lẻ nội thất, mỹ phẩm, bán lẻ hàng hóa tiêu dùng khác…
Theo báo cáo của IFA, việc phát triển kinh doanh theo phương thức NQTM đã giúp các doanh nghiệp NQTM tận dụng được nguồn vốn, nhân lực từ đối tác để mở rộng kinh doanh; đồng thời, gia tăng doanh số và lợi nhuận từ nguồn thu chi phí nhượng quyền, nâng cao giá trị thương hiệu và nâng tầm doanh nghiệp. Đối với bên nhận NQTM, mô hình này giúp hạn chế rủi ro đến mức thấp nhất. Các doanh nghiệp cũng tiết kiệm đáng kể chi phí để tạo dựng thương hiệu, cũng như quảng cáo, xúc tiến bán hàng.
Hơn nữa, với việc nhận NQTM từ các doanh nghiệp nước ngoài, các doanh nghiệp Việt Nam được chuyển giao những thương hiệu có uy tín và được học hỏi, tiếp cận cách thức kinh doanh và phương thức quản lý tiên tiến của thế giới. Trong tương lai, ngành này sẽ có đóng góp không nhỏ vào GDP cả nước.
Ở các quốc gia có ngành nhượng quyền phát triển, mức đóng góp của nó vào khoảng 5-10% GDP, như ở Canada là 10%, Australia 9% và Nam Phi 9,7%. Báo cáo “2020 Franchise Reopening” mới đây cho biết, tại Hoa Kỳ, NQTM được coi là trụ cột của doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNVVN). Trước COVID-19, Hoa Kỳ có 733.000 cơ sở NQTM với hơn 7,6 triệu người tham gia. Đa số các chủ sở hữu NQTM là doanh nghiệp nhỏ.
Còn tại châu Á, nhượng quyền phát triển mạnh nhất tại Hàn Quốc với mức đóng góp vào GDP là 7,8%, Malaysia 6,3%, Philippines 5%, Singapore 3%. Riêng tại Malaysia, Chính phủ xác định ngành NQTM là một chiến lược dài hạn để phát triển DNVVN, bằng cách xuất khẩu mô hình và thương hiệu thay vì xuất khẩu hàng hóa và sản phẩm.
Hiệp hội IFA nhận định, Việt Nam được xác định là thị trường nhượng quyền hấp dẫn tại khu vực Đông Nam Á với nhiều lĩnh vực tiềm năng như: thực phẩm và đồ uống, giáo dục, y tế và dinh dưỡng, dịch vụ kinh doanh, khách sạn, thời trang, làm đẹp và chăm sóc da, giải trí, dịch vụ trẻ em và cửa hàng tiện lợi... Và IFA cũng dự báo Việt Nam sẽ là điểm đến của nhiều thương hiệu quốc tế nổi tiếng trong thời gian tới.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy ở thị trường Việt Nam, nhượng quyền thương mại vẫn còn khá non trẻ. Chính vì vậy, những luật lệ về nhượng quyền thương hiệu, cách thức công ty tư vấn, hỗ trợ dành cho kinh doanh nhượng quyền còn đơn giản. Chính vì thế các chuyên gia cho rằng, DN trong nước cần nắm rõ những cơ sở pháp lý về nhượng quyền thương mại ở Việt Nam hiện nay. Đặc biệt DN cần hiểu rõ luật và cẩn trọng về pháp lý khi đàm phán hợp đồng nhượng quyền.
Hiện nay, hoạt động NQTM ở Việt Nam được điều chỉnh bởi Luật Thương mại năm 2005, sửa đổi năm 2017 và 2019. Cụ thể là tại Chương 6, mục 7, từ Điều 284 đến Điều 291 và Nghị định 08/2018/NĐ-CP.
Đối với hợp đồng NQTM có các hình thức: hợp đồng nhượng quyền riêng lẻ, hợp đồng nhượng quyền độc quyền và hợp đồng nhượng quyền phát triển khu vực. Còn xét theo đối tượng, có 4 hình thức hợp đồng là: hợp đồng nhượng quyền phân phối sản phẩm, hợp đồng nhượng quyền mô hình kinh doanh, hợp đồng nhượng quyền sản xuất và hợp đồng chuyển nhượng cơ hội kinh doanh mẫu.
Trước khi nhượng quyền, theo quy định tại điều 291 Luật Thương mại, thì bên nhượng quyền phải tiến hành đăng ký với Bộ Công Thương. Đây là bước khởi đầu quan trọng để một hoạt động nhượng quyền chính thức được triển khai hợp pháp tại thị trường Việt Nam.
Từ 11/11/2024, người dân có thể sử dụng tài khoản VNeID để đăng nhập trên ứng dụng iHanoi. Việc tích hợp VNeID lên iHanoi có thể coi là 1 bước tiến lớn khi mang lại nhiều lợi ích hơn tới người dân Thủ đô.