Việt Nam lọt top 10 quốc gia nhận kiều hối lớn nhất thế giới
Theo báo cáo về Di trú và Phát triển do Ngân hàng Thế giới (WB) và Tổ chức Hợp tác quốc tế về người di cư (KNOMAD) thực hiện, Việt Nam - đất nước được đánh giá xứng đáng vươn tới vị thế “con hổ mới châu Á” - tiếp tục là một trong 10 quốc gia nhận kiều hối lớn nhất trên thế giới.
Báo cáo trên nhận định, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 ảnh hưởng lớn tới nền kinh tế toàn cầu trong 2 năm qua, đi kèm với lạm phát leo thang tại nhiều quốc gia, dòng kiều hối về Việt Nam vẫn khá ổn định so với các năm trước.
Cụ thể, theo số liệu của WB và KNOMAD, tổng lượng kiều hối về Việt Nam tăng trưởng gần 5% trong năm 2022 và từ 3,6 - 4,5% trong năm tiếp theo, sau khi ghi nhận mức tăng 5% trong năm 2021. Mức tăng này tương đương khoảng 1 tỷ USD và đạt gần 19 tỷ USD, nằm trong top 3 quốc gia nhận tiền kiều hối nhiều nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương và thuộc top 10 quốc gia trên thế giới về nhận kiều hối. So với hơn 22 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài (FDI) giải ngân năm 2022, lượng kiều hối chỉ kém hơn “chút đỉnh”.
Đặc biệt, mỗi dịp Tết đến, xuân về, lượng kiều hối luôn có mức tăng trưởng cao, ở cả hình thức chuyển về qua hệ thống chuyển tiền (ngân hàng, công ty kiều hối) và mang trực tiếp khi kiều bào, người lao động về quê ăn Tết.
Các ngân hàng nhận định, kiều hối là nguồn ngoại tệ quan trọng nhưng không phải ai cũng hình dung được đóng góp quan trọng của dòng tiền này. Lượng kiều hối chuyển về Việt Nam ngày càng nhiều một mặt giúp bù đắp sự thâm hụt cán cân thương mại, tăng dự trữ ngoại hối quốc gia, giảm sức ép tăng tỷ giá của đồng đô la Mỹ; tăng nguồn vốn đầu tư...
Mặt khác góp phần cải thiện cuộc sống của những người nhận kiều hối, đồng thời giúp cho các ngân hàng gia tăng lợi nhuận từ hoạt động dịch vụ, phục vụ chính sách thu hút nguồn ngoại tệ cho Việt Nam.
Trong tổng lượng kiều hối chuyển về Việt Nam hàng năm, Mỹ là quốc gia có số lượng người Việt Nam nhập cư và sinh sống nhiều nhất, tiếp đó là Anh, Australia, Canada. Còn về xuất khẩu lao động, lượng kiều hối chủ yếu đến từ các thị trường xuất khẩu lao động chính như Nhật Bản, Hàn Quốc, vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc).
Về mặt quy mô so với cả nước, kiều hối chuyển về TP. HCM trong năm chiếm trên 50% so với cả nước. Đây cũng là con số ấn tượng. Nguyên nhân được nhìn nhận là, ngoài yếu tố kiều bào có quê hương, gia đình ở thành phố, thì môi trường đầu tư, là trung tâm tài chính năng động và lớn nhất của cả nước, cùng với tiện ích và hiệu quả của hệ thống chi trả kiều hối… cũng trở thành động lực chính thu hút kiều hối về TP.HCM hàng năm.
Kiều hối là sự dịch chuyển của dòng tiền từ kiều bào hoặc từ người đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài gửi về cho người thân, gia đình. Các loại tài sản được xem là kiều hối gồm: tiền hoặc các loại giấy tờ có giá, có đơn vị ngoại tệ, vàng tiêu chuẩn quốc tế. Đối với các nước, đặc biệt là quốc gia đang phát triển, kiều hối mang lại những lợi ích tích cực và đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế.
Năm 2024, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu nhiều biến động, cả 2 lĩnh vực hàng hải và đường thủy nội địa đều tăng trưởng ấn tượng, vận tải hành khách và hàng hóa đều tăng trưởng 2 con số.