Việt Nam lọt top 25 quốc gia dẫn đầu về Chỉ số an toàn, an ninh mạng toàn cầu 2021

Công nghệ
12:48 PM 01/07/2021

Nếu so với lần công bố báo cáo xếp hạng an toàn, an ninh mạng toàn cầu (GCI) gần nhất vào năm 2019, Việt Nam đã tăng 25 bậc trong vòng 2 năm, vươn lên vị trí thứ 25 trên tổng số 194 quốc gia, vùng lãnh thổ; thứ 7 trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương và đứng thứ 4 trong khu vực ASEAN.


Bắt đầu từ năm 2014 và định kỳ 2 năm 1 lần, Tổ chức viễn thông quốc tế (ITU) sẽ công bố báo cáo xếp hạng an toàn, an ninh mạng toàn cầu (GCI) của nhằm giúp lãnh đạo các nước nâng cao nhận thức về an toàn, an ninh mạng. Đồng thời báo cáo cũng đánh giá kết quả triển khai các giải pháp đảm bảo an toàn, an ninh mạng của các quốc gia.

Các chỉ số trong báo cáo của GCI 2021 được ITU dựa trên 5 yếu tố chính, bao gồm: Kỹ thuật, Tổ chức, Nâng cao năng lực và Hợp tác. Số điểm tối đa cho mỗi yếu tố này là 20. Dựa trên những yếu tố này, Việt Nam đã vươn lên vị trí thứ 25 trên tổng số 194 quốc gia, vùng lãnh thổ. Tính riêng khu vực châu Á – Thái Bình Dương, Việt Nam là quốc gia đứng thứ 7 trong khu vực, với số điểm đánh giá đạt 94,59. Dẫn đầu là Hàn Quốc và Nhật Bản với tổng điểm đánh giá đều đạt 98,52.

Nếu so với lần công bố đánh giá gần nhất vào năm 2019, Việt Nam đã tăng 25 bậc trong vòng 2 năm, vượt qua Thái Lan để đứng ở vị trí thứ 4 trên tổng số 11 quốc gia thuộc khu vực ASEAN. 3 nước đứng đầu lần lượt là Singapore, Malaysia và Indonesia.

Lần đầu tiên Việt Nam lọt vào top 30 quốc gia dẫn đầu về Chỉ số an toàn, an ninh mạng toàn cầu GCI 2021 - Ảnh 2.

Cụ thể, Việt Nam đạt tổng điểm 94,59/100, với sự cải thiện điểm ở cả 5 trụ cột được ITU đánh giá. Trong đó, bên cạnh 2 trụ cột Pháp lý và Hợp tác đạt số điểm tuyệt đối 20/20, điểm của Việt Nam ở 3 trụ cột Kỹ thuật, Tổ chức, Nâng cao năng lực lần lượt đạt 16,31/20; 18,98/20 và 19,26/20.

Theo Cục an toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT), để đạt được kết quả ấn tượng trên là nhờ những nỗ lực không ngừng nghỉ của Việt Nam trên một chặng đường dài. Điều này được thể hiện rõ qua quyết tâm chính trị to lớn của lãnh đạo cao cấp của Đảng, Chính phủ đối với vấn đề đảm bảo an toàn, an ninh mạng.

Bên cạnh đó còn là nỗ lực của các Bộ, ban, ngành địa phương trong việc tích cực triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn thông tin theo mô hình 4 lớp. Đồng thời không thể không nhắc đến vai trò của Bộ Công an cũng như Bộ TT&TT trong việc xây dựng và phát triển hành lang pháp lý về an toàn, an ninh mạng đầy đủ, không thua kém bất kỳ quốc gia khác trên thế giới.

Tổ chức ITU cũng ghi nhận và đánh giá cao những cố gắng của Việt Nam trong việc xây dựng những đề án phát triển trong dài hạn về nguồn nhân lực an toàn, an ninh mạng. Cùng với đó là tạo ra Hệ sinh thái sản phẩm an toàn, an ninh mạng "Made in VietNam".

Thực tế, Việt Nam là một trong số ít quốc gia đã xây dựng hệ sinh thái sản phẩm an toàn, an ninh mạng nội địa, cho phép Việt Nam có thể tự chủ về công nghệ và giải pháp an ninh mạng.

Tổng thư ký ITU - Houlin Zhao đánh giá: "Thành tích nêu trên của các nước trong khu vực châu Á nói chung và ASEAN nói riêng đã cho thấy Việt Nam vẫn cần phải nỗ lực nhiều hơn nữa để duy trì thứ hạng trong nhóm 25 nước dẫn đầu về an toàn, an ninh mạng cũng như hiện thực hóa mục tiêu trở thành cường quốc về an ninh mạng".

Đại diện Cục an toàn thông tin, Bộ TT&TT nhấn mạnh việc cải thiện thứ hạng trong bảng xếp hạng an ninh mạng toàn cầu đã khó thì việc quyết tâm duy trì an toàn, an ninh mạng trong dài hạn mới là những thách thức cần phải vượt qua.

Trong thời gian tới, Bộ TT&TT sẽ tiếp tục đầu tư phát triển Trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) về an toàn, an ninh mạng; hỗ trợ xây dựng hệ sinh thái sản phẩm an toàn thông tin "Make in Viet Nam" và phát triển đội ngũ chuyên gia xuất sắc, nâng cao năng lực an toàn, an ninh mạng Việt Nam.

Quỳnh Anh
Ý kiến của bạn
Thương mại Việt Nam và Hoa Kỳ tiếp đà phát triển bền vững Thương mại Việt Nam và Hoa Kỳ tiếp đà phát triển bền vững

Các nhà đầu tư Hoa Kỳ đã đóng góp đáng kể vào quá trình chuyển biến và tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam. Hoa Kỳ hiện là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ 11 tại Việt Nam, với hơn 1.400 dự án có tổng vốn đầu tư gần 12 tỷ USD.