Việt Nam miễn thị thực đơn phương với 13 thị trường du lịch lớn
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao cho biết, hiện có 13 nước được Việt Nam miễn thị thực đơn phương, đây là những thị trường du lịch trọng điểm, có nhiều khách đến Việt Nam.
Thông tin trên được Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nêu trong phiên trả lời chất vấn trước Quốc hội chiều 18/3.
13 nước gồm: Đức, Pháp, Italy, Tây Ban Nha, Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland, Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đan Mạch, Thụy Điển, Na Uy, Phần Lan, Belarus.
Ông Sơn cho biết thêm, Bộ Ngoại giao cũng đàm phán với 15 nước thực hiện miễn thị thực song phương, để tạo điều kiện hoạt động xuất nhập cảnh thông thoáng hơn. Theo Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, các nước trên thế giới rất quan tâm và coi Việt Nam là điểm đến an toàn, với nhiều danh lam, thắng cảnh.
Trong xu thế mở cửa, hội nhập sâu rộng, không chỉ các nước đến Việt Nam mà công dân Việt Nam cũng có nhu cầu đi du lịch, tìm kiếm cơ hội phát triển sản xuất kinh doanh. Vì vậy, Bộ Ngoại giao phối hợp với cơ quan chức năng đơn giản hóa thủ tục xuất nhập cảnh. Gần đây nhất Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh.
Trước đó, đặt câu hỏi chất vấn, đại biểu Tạ Thị Yên - Phó Trưởng Ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhấn mạnh, Việt Nam từ một nước bị chiến tranh tàn phá, đói nghèo, lạc hậu, đã trở thành nước đang phát triển. Năm 2023, Việt Nam có thu nhập bình quân đầu người ở mức trung bình, quy mô GDP đạt khoảng 433,3 tỷ USD, xếp thứ 5 trong khu vực ASEAN, thứ 35 trên thế giới, là nước đông dân thứ ba khu vực ASEAN và đứng thứ 15 trên thế giới.
Trong nhiều năm trở lại đây, Việt Nam luôn được bình chọn là điểm đến ưa thích của khách du lịch. Chúng ta cũng đã đơn phương hoặc ký kết các thỏa thuận miễn thị thực đối với một số nước nhằm tạo điều kiện cho việc thu hút du lịch, đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Bên cạnh đó, số lượng người Việt Nam ra nước ngoài làm việc, du lịch cũng rất nhiều.
Tuy nhiên, còn khá ít nước miễn thị thực cho công dân Việt Nam và việc xin thị thực của công dân Việt Nam còn gặp khá nhiều khó khăn, phức tạp.
“Vai trò của Bộ Ngoại giao trong vấn đề này như thế nào? Bộ có giải pháp gì để cải thiện tình hình này, tạo thêm thuận lợi cho công dân Việt Nam khi đi ra nước ngoài và việc tạo điều kiện thuận lợi cho việc cấp visa cho người nước ngoài vào Việt Nam cho tương xứng với vị thế của đất nước trong giai đoạn hiện nay?”đại biểu Tạ Thị Yên đặt câu hỏi.
Miễn thị thực song phương là chính sách miễn thị thực có đi có lại giữa Việt Nam với một số quốc gia. Khi Việt Nam miễn thị thực cho công dân của một nước thì quốc gia đó cũng miễn thị thực trở lại với công dân Việt Nam. Tiêu biểu của việc miễn thị thực song phương là các nước Đông Nam Á (ASEAN) miễn thị thực cho công dân của nhau khi xuất nhập cảnh.
Từ giữa tháng 8/2023, Việt Nam cấp thị thực điện tử cho công dân tất cả các nước và nâng thời hạn từ 30 lên 90 ngày, với số lần xuất nhập cảnh không giới hạn. Công dân của nước Việt Nam đơn phương miễn thị thực được tăng thời gian tạm trú từ 15 lên 45 ngày và được xem xét cấp thị thực, gia hạn tạm trú.
Cuối tháng 2/2024, Thủ tướng đã giao Bộ Công an phối hợp với bộ ngành liên quan nghiên cứu, đề xuất mở rộng danh sách miễn visa đơn phương; thí điểm miễn visa trong thời gian ngắn hạn (từ 6 tháng đến 12 tháng) cho khách du lịch từ một số thị trường có quy mô lớn, chi tiêu cao; thí điểm cấp visa dài hạn, nhập cảnh nhiều lần (12 tháng đến 36 tháng) để thu hút các phân khúc thị trường khách du lịch cao cấp, khách nghỉ hưu...
Huyền My (t/h)Công ty CP Vận tải đường sắt cho biết tổ chức chạy tăng cường thêm nhiều chuyến tàu tuyến Bắc - Nam phục vụ người dân về quê, đón tết Nguyên đán 2025.